Mỗi giáo viên là một chiến sĩ

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 11:31 - Chia sẻ
Dù đã có một thời gian làm quen với việc dạy và học online nhưng không ít giáo viên vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những giáo viên đã lớn tuổi, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa… ít được tiếp xúc với công nghệ, không thể tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật, các sự cố xảy ra trong quá trình dạy online. Đó là chia sẻ của các thầy, cô giáo là đại biểu về dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 trong buổi gặp mặt với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, sáng 19.11.

Khoảng trống về công nghệ

Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã chia sẻ về điều kiện giảng dạy, những khó khăn trong quá trình dạy và học online cho trẻ em dân tộc thiểu số, những sáng tạo đổi mới phương pháp, đổi mới nội dung bài giảng giúp học sinh tiếp thu các kiến thức hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 và những nguyện vọng về chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khó khăn.

Thầy giáo Lư Văn Sa Rinh (Trường THPT Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho biết, đối với nhà trường thời gian đầu các em học sinh chưa đủ máy móc để học trực tuyến, các thầy, cô cũng đã kêu gọi hỗ trợ cho các em học sinh phương tiện là điện thoại và sim 3G cho các em học sinh có thể tham gia học trực tuyến. Bên cạnh đó, các thầy, cô tại trường cũng đã xây dựng các bài giảng để đưa lên youtube để học sinh có thể tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn.

Thầy giáo Lư Văn Sa Rinh (Trường THPT Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)
Thầy giáo Lư Văn Sa Rinh, Trường THPT Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

“Nhiều em học sinh sau dịch Covid-19 đã trở thành trẻ mồ côi do bố, mẹ đã mất vì dịch Covid-19. Vì vậy, nhiều học sinh bị xao động tâm lý và không muốn đi học mà muốn đi làm để tự kiếm sống. Đây là hiện tượng rất buồn và cần cộng đồng chung tay chia sẻ với các em…”, thầy giáo Trang Thành Giá (Trường THPT Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ.

Cô giáo Ka’ My Hằng (Trường Mẫu giáo Hoà Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, tại địa bàn xã Hoà Bắc, các em học sinh và phụ huynh hạn chế trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Do đó các thầy cô cũng đã nỗ lực giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên nhất. Các thầy, cô giáo có đã dựng các video ngắn cô đọng về nội dung kiến thức để gửi cho các em học sinh học tập một cách thuận tiện nhất.

Thầy giáo Vũ Trường Hải (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)
Thầy giáo Vũ Trường Hải, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Thầy giáo Vũ Trường Hải (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, mặc dù ở thành phố nhưng việc dạy trực tuyến của học sinh vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều gia đình học sinh vẫn bị hạn chế về thiết bị. Các em học sinh cũng ngại tương tác trực tuyến với thầy cô bằng camera. Do đó, nhà trường cũng cho các em trả bài môn thể dục bằng phương pháp quay clip và up lên Youtube.

Cô giáo Lê Phương Thảo (Trường THCS Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, với tinh thần dừng đến trường, nhưng không dừng dạy học, các thầy cô giáo đã cố gắng, nỗ lực trong việc học trực tuyến. Tuy nhiên, quá trình dạy và học online đang có những khó khăn bất cập. Do hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nên việc học trực tuyến chưa phát huy hết hiệu quả. Các em học sinh chưa nghiêm túc trong quá trình học tập và những khó khăn về đường truyền internet… dẫn đến tình trạng giáo viên và học sinh khó tương tác. Học sinh bị gián đoạn việc tiếp thu kiến thức…

Cô giáo Lê Phương Thảo, Trường THCS Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên)
Cô giáo Lê Phương Thảo, Trường THCS Bạch Sam, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên

Mỗi giáo viên là một chiến sỹ

Biểu dương những đóng góp của các thầy cô trong “sự nghiệp trồng người” với tinh thần vượt khó, “tạm dừng đến trường chứ không dừng việc học”, gắn bó với học sinh và phụ huynh vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo,… nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh nhấn mạnh, mỗi thầy, cô một điều kiện hoàn cảnh nhưng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong “sự nghiệp trồng người”.

“Ghi nhận những chia sẻ, đề xuất của các thầy, cô giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập hợp và có cuộc họp đề ra các giải pháp, chính sách dành cho các thầy, cô giáo đang ngày đêm chăm sóc, dạy con chữ cho học sinh vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chương trình đổi mới giáo dục, trong đó phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Các thầy, cô giáo đã tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh giáo dục trong giai đoạn đại dịch Covid-19" - Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi gặp mặt

Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn các thầy, cô giáo sẽ không ngừng phấn đấu rèn luyện, sáng tạo trong xây dựng các bài giảng giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả nhằm khởi dậy cho các học sinh khát vọng học tập và cống hiến. Mặt khác, cần nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”, đóng góp cho ngành Giáo dục. Đặc biệt, các thầy cô giáo nơi vùng đồng bào khó khăn thực hiện tốt công tác vận động đưa trẻ đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học. Qua đó, nâng cao trình độ, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tặng bằng khen
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các thầy, cô là đại biểu của Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, hiện các chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách với đội ngũ giáo viên đã có nhiều đổi mới. Công việc này tiếp tục còn có những khó khăn rất mong các thầy cô vững tâm, mỗi thầy cô là những hạt nhân tiêu biểu lan tỏa mạnh mẽ tới đồng nghiệp, học sinh của mình  để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống khơi dậy khát vọng cống hiến  cho cộng đồng, cho thầy cô, cho học sinh.

Đức Hiệp