Cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống thiên tai

- Thứ Năm, 01/12/2022, 10:59 - Chia sẻ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021 đã đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề mới phát sinh, có những quy định chặt chẽ phù hợp thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống thiên tai trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai

Theo thống kê, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP; ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống thiên tai  -0
Hệ thống đê điều có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai

Trong bối cảnh đó, vào Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ đã trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Quốc hội đã thông qua Luật này,  từ ngày 1.7.2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều chính thức có hiệu lực thi hành.

Luật đã khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài 5 chính sách của Nhà nước như quy định trước đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã bổ sung 2 chính sách mới. Một là, ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Hai là, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Luật cũng sửa đổi, bổ sung tổ chức của Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo quy định mới, Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được tổ chức ở Trung ương và ở cấp tỉnh (trước đây chỉ tổ chức ở cấp tỉnh). Đồng thời Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai.

Ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, Quỹ  hỗ trợ cho các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu. Quỹ ở địa phương được chủ động sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Quỹ ở Trung ương chủ yếu được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp, thiệt hại nghiêm trọng và điều tiết giữa các địa phương, khu vực. Nguồn kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai được điều chuyển giữa quỹ ở Trung ương và quỹ ở địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất

Bên cạnh đó, xác định được tầm quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 17.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược nêu rõ, nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, sử dụng hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai và huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn...

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống thiên tai  -0
Người dân chèo thuyền đi qua vùng lũ

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP; phấn đấu để 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai.

Thảo Anh
#