Xây dựng 2 kịch bản ứng phó với bão số 6

- Thứ Hai, 17/10/2022, 17:20 - Chia sẻ

Sáng 17.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác ứng phó với bão số 6. Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) xây dựng hai kịch bản ứng phó với bão số 6 (bão NESAT).

Bão có khả năng đạt cường độ cực đại, đạt cấp 12-13, giật cấp 15

Chiều 16.10, bão NESAT đã vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Lu-Dông (Philippines), đi vào khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2022. Hồi 13 giờ ngày 17.10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 520km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 6 mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h.

Xây dựng 2 kịch bản ứng phó với bão số 6 -0
Dự báo đường đi của bão số 6 

Theo Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm, sáng 17.10, không khí lạnh tiếp tục tăng cường, nhiều khả năng sẽ tương tác với bão. Khi tương tác từ xa thì bão mạnh lên. Như vậy trong hôm nay và ngày mai bão có khả năng đạt cường độ cực đại, đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Nguy hiểm nhất đối với cơn bão là ở trên biển có gió mạnh, sóng lớn”.

Theo ông Lâm, kịch bản có khả năng dễ xảy ra nhất là sau khi bão đạt cường độ cực đại trong ngày 18.10, do tác động của không khí lạnh nên bão suy yếu nhanh. Khi vào vùng biển Trung Bộ chỉ còn áp thấp nhiệt đới hoặc vùng thấp nên ở trên đất liền ít chịu tác động gió và mưa.

"Một kịch bản nữa có xác suất khoảng 30-40% là bão tan luôn trên biển. Còn kịch bản xấu nhưng xác suất thấp (10%) là khi không khí lạnh không mạnh như dự báo thì bão có khả năng vẫn giữ cường độ cấp 8-9 khi vào đất liền", ông Lâm nhấn mạnh.

Xây dựng 2 kịch bản ứng phó với bão số 6

 -0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu tại cuộc họp 

Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn

Theo báo cáo nhanh số 384/BC-CQTT ngày 17.10 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự - Bộ đội Biên phòng, đến 6 giờ 30 ngày 17.10, Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.248 tàu với 222.313 lao động biết diễn biến của bão số 6 để di chuyển phòng tránh, trong đó 50 tàu với 489 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Quảng Nam 28 tàu với 290 lao động; Quảng Ngãi 20 tàu với 184 lao động; Bình Định 2 tàu với 15 lao động).

Xây dựng 2 kịch bản ứng phó với bão số 6

 -0
Hướng dẫn neo đậu thuyền tránh trú bão

Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) cho biết, hiện vẫn còn tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa. Hiện Bộ đội biên phòng đang phối hợp cùng địa phương để yêu cầu tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Vùng biển Quảng Trị đến Bình Định còn nhiều tàu hoạt động, theo dự báo bão sẽ suy yếu nhưng Bộ đội biên phòng đã chỉ đạo sẵn sàng bắn pháo hiệu để ngư dân chủ động sản xuất.

Xây dựng 2 kịch bản ứng phó với bão số 6

 -0
Khuyến cáo an toàn điện khi mưa bão

Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành nhấn mạnh, bão số 6 rất mạnh trên biển, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát cơn bão số 6 để đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển. "Đề nghị các tỉnh có tàu thuyền cử cán bộ cấp xã đến tận chủ tàu để đôn đốc các tàu hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, vì dự báo bão mạnh nhất ở khu vực này nên nguy cơ bị tai nạn rất lớn.

Các tỉnh ven biển Thanh Hóa đến Đà Nẵng phải sẵn sàng kịch bản ứng phó với bão, dù xác suất lớn là khi vào gần bờ bão sẽ suy yếu. Tuy nhiên không loại trừ khả năng bão đổ bộ vào đất liền.

Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cần xây dựng hai kịch bản ứng phó với bão số 6. Kịch bản thứ nhất xây dựng theo phương án dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là bão suy yếu khi vào gần đất liền. Kịch bản thứ hai là trường hợp bão không suy yếu khi vào đất liền", ông Thành yêu cầu.

Để ứng phó với bão số 6, các địa phương cũng chủ động triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn. Mặt khác, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở, đường giao thông, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Ngày 16.10, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì họp triển khai công tác khắc phục hậu quả trực tiếp đến cấp huyện.

TP. Đà Nẵng đã huy động lực lượng dọn vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân sửa chữa phương tiện (ôtô, xe máy) bị thiệt hại. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã sơ tán 4.900 hộ với 14.205 người (Quảng Bình 8 hộ với 48 người, Quảng Trị 1.205 hộ với 3.835 người Thừa Thiên Huế 3.687 hộ với 10.322 người), hiện người dân đã trở về nhà sau khi lũ rút.

Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6; phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức thông báo, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Thảo Anh