Một số ý kiến về dự dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

- Thứ Năm, 21/10/2021, 15:01 - Chia sẻ

Thạc sỹ Đoàn Phúc Thịnh
Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh, Văn phòng Quốc hội 

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều ngày 23.10.201. Qua nghiên cứu dự thảo Luật do Chính phủ trình, chúng tôi đề nghị nghiên cứu cân nhắc một số nội dung:

Về quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”: Tại khoản 2 Điều 51 dự thảo Luật bổ sung quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành; theo đó Điều 55 bổ sung quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được tặng huy chương này. Chúng tôi nhận thấy việc khen thưởng phải bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, có tác dụng động viên, khuyến khích tập thể, cá nhân có thành tích và phát huy được phong trào thi đua, tránh tràn lan, chồng chéo. Mỗi loại hình thức khen thưởng là thể hiện sự ghi nhận đối với một loại thành tích nhất định khi tập thể, cá nhân nào đạt được; không có hình thức khen thưởng đối với riêng một lực lượng nào (như: không có hình thức khen thưởng riêng đối với lực lượng Dân quân tự vệ…). Đối với mỗi lực lượng có thể có kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân có thành tích đóng góp có liên quan đến ngành, lĩnh vực mình. Việc ghi nhận những thành tích mà Thanh niên xung phong đã cống hiến là cần thiết, thể hiện sự tri ân đối với những người đã có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc khen thưởng đối với Thanh niên xung phong đã được thực hiện với nhiều cá nhân bằng các hình thức khác nhau. Nếu còn những trường hợp nào chưa được xem xét cần tổng kết, đánh giá và rà soát lại để bảo đảm tránh bỏ sót đối tượng là Thanh niên xung phong có nhiều thành tích. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại dự thảo Luật. 

Về công tác thi đua khen thưởng của Ngành Cơ yếu: Theo quy định của Luật Cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ là do Chính phủ thành lập giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý. Nghiên cứu về tổ chức của lực lượng cơ yếu gồm: Ban Cơ yếu Chính phủ; hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; Ngoại giao và hệ thống tổ chức trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác ở trung ương và địa phương. Công tác thi đua, khen thưởng đối với ngành Cơ yếu Việt Nam những năm qua thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hình thức khen thưởng cấp Bộ đối với tập thể, cá nhân của Ban Cơ yếu Chính phủ; Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định các hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân trong Ban và tập thể và cá nhân (số lượng khoảng 8000 người) làm công tác cơ yếu trong các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức theo thẩm quyền (như: Cờ thi đua của Ban Cơ yếu Chính phủ hoặc Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua bao gồm cả các tổ chức cơ yếu của các Bộ, ngành khác. Theo quy định tại Thông tư số 132/2013/TT-BQP ngày 5.8.2013 của Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp cơ yếu Việt Nam” cho cá nhân thuộc lực lượng cơ yếu và cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức, Bộ, ngành, địa phương có nhiều công lao, cống hiến, đóng góp và quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cơ yếu Việt Nam). Từ năm 1995 đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập Phòng Thi đua, khen thưởng biên chế 04 người.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, chúng tôi thấy: nội dung giải thích tại khoản 4 Điều 3 không bao gồm các cơ quan khác do Chính phủ thành lập (như Ban Cơ yếu Chính phủ, Đại học quốc gia) trong khi các cơ quan này vẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với ngành, lĩnh vực. Còn quy định tại khoản 1 Điều 79cũng không bao gồm người đứng đầu các cơ quan do Chính phủ thành lập. Do dó, Công tác thi đua, khen thưởng của Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ khó có cơ sở pháp lý thực hiện! Vì vậy, chúng tôi đề nghị chỉnh sửa một số nội dung dự thảo Luật theo hướng: Tại khoản 4 Điều 3 bổ sung nội dung “các cơ quan khác do Chính phủ thành lập” cho đầy đủ nội dung giải thích từ ngữ; đồng thời rà soát bổ sung cụm từ này và các cụm từ “ngành cơ yếu”, “Cơ yếu” tại các điều khoản khác của dự thảo Luậtcho phù hợp để bảo tính thống nhất, tính khả thi khi luật được ban hành.

Đoàn Phúc Thịnh