Xem- Nghe - Đọc

Một thời để cũ

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:14 - Chia sẻ
Nick M gọi cuốn sách mới của mình là một cuộc dọn nhà kho, và mời mọi người cùng dọn nhà kho ký ức với anh.

Tập sách mới của tác giả Nick M có cái tên không thể ngắn gọn hơn: “Cũ”,  Nó khiến tôi lập tức nhớ ngay đến bộ phim Ba Thời (Three Times) gồm 3 phần: Một thời để Yêu, Một thời để Tự Do, Một thời để Trẻ. Nhưng xin thêm một phần nữa gọi là “Một thời để Cũ”.

 Trước khi đọc sách, tôi đã mường tượng ra những thứ khác. Tôi tưởng tượng ra nó sẽ là một lá thư tình gửi tới thập niên 90. Một phần nào đó thì đúng là thế, nhưng không chỉ là thế. Nó giống hơn một khảo sát về việc xem những cái gì có thể “cũ”, và cuối cùng thì phát hiện ra rằng cái quái gì trên đời cũng có thể cũ. Trong Trùng Khánh Sâm Lâm, anh cảnh sát số 223 có hỏi rằng không biết trên đời này có gì là không có hạn sử dụng hay không? Thì Nick M trả lời rằng, anh tin cái gì cũng có hạn sử dụng, từ một hộp dứa, một chiếc điện thoại, một chiếc tivi, một ngôi nhà, đến một tình bạn, một tình yêu, cả một con người. Cái gì cũng có thể cũ và sẽ cũ.

Tôi cũng tưởng tượng ra cuốn sách là lời ai điếu về quá khứ, sẽ có chút ướt át, thương nhớ, tiếc nuối - như nhiều cuốn sách về hồi ức thường vậy. Nhưng cuốn sách lại không thế. Nó làm tôi nhớ về cái thời đại mà những đứa trẻ cuối 8x đầu 9x lớn lên, nhớ về với một nụ cười. Cuốn sách dễ thương vô cùng tận nhưng nó không ve vuốt quá khứ thái quá, không vị quá khứ, không bảo quá khứ là tốt nhất. Quá khứ thú vị chỉ bởi nó đã qua, nên ứng xử tốt nhất mà ta nên dành cho nó là khép lại nó để hòa thuận với hiện tại. Tôi cũng thật sự không nghĩ ra ai hợp hơn Nick M trong vai trò một người gợi nhắc về văn hóa pop những năm 90-2000, ở anh toát lên tất cả những gì hay ho nhất về thời ấy: Thư Kỳ, những chiếc băng cassette, máy nghe nhạc Walkman, Vương Gia Vệ, những chiếc DVD ở phố Hàng Bài…

Cũng trong dòng hoài niệm khi đọc “Cũ”, tôi mở “Amarcord”, một bộ phim cũ, lên xem. Đây là bộ phim của F.Fellini mà tôi có cảm tình nhất. Tựa đề của nó là một cách biến tấu từ cụm “a m’acôrd”, trong tiếng Ý nghĩa là “tôi nhớ”, và như tên gọi, đó là bộ phim kỳ quái đầy vẻ hoang đường phóng đại về hoài niệm tuổi thơ. Trong phim có đoạn, khi một cô nàng luống tuổi chưa chồng ngồi tâm sự về lý do cô chưa lấy chồng, cô có nói một ý: “Cảm tình thậm chí còn quan trọng hơn tình yêu”. 

Chữ “cảm tình” thật hay, thứ xúc cảm ấy như một lớp sương giăng, tưởng rất mơ hồ nhưng không bao giờ tan biến mất. Trong khi tình yêu thì thường dễ thay đổi. Cái hay là, với hiện tại - tức cái bất trắc, chóng qua, thì ta thường yêu. Nhưng với quá khứ  - cái vững chãi, không đổi, thì ta lại có cảm tình. Cho nên những món đồ mới, những ngôi nhà mới, những thói quen mới, những con người mới - tức những thứ đang ngày ngày gắn bó với ta, thì ta yêu. Nhưng khi nhác thấy những thứ cũ như Tây Du K‎ý, album ảnh, những món đồ chơi hồi bé, hay một người xưa, thì ta lại dào dạt cảm tình. Biết đã xưa, biết đã cũ, biết đã qua, nhưng cảm tình một khi đã trao đi thì không lấy lại được nữa. Mà đó, nói như Fellini thì cảm tình còn quan trọng hơn tình yêu.

Nick M gọi cuốn sách của mình là một cuộc dọn nhà kho, và mời mọi người cùng dọn nhà kho ký ức với anh. Tác giả so sánh là hay nhất rồi, nhưng thôi thì tôi cũng cứ so sánh “Cũ” như một lời gọi mời, “Mời người lên xe, về miền quá khứ…”.

Hiền Trang