Một vùng kẻ Láng

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:21 - Chia sẻ
Câu ca xưa nhắc nhớ bước chân ai tìm về bên dòng sông Tô, đến bên ngôi chùa huyền thoại nằm dưới hai hàng muỗm cổ thụ sum suê tỏa bóng và rợp cờ bay trong bầu nắng mới cuối xuân....

Dưới bóng "tùng lâm"

Chùa Láng tên chữ là Chiêu Thiền Tự, nằm trên một cánh đồng rau thơm làng Láng cổ truyền có tuổi đời trải đã gần 900 năm. Cổng chùa có bốn chữ đề: Thiền Thiên hiển thánh. 

Nghìn năm xa vời vợi, dòng sông Tô dần cũng cạn dòng chậm lắng. Cánh đồng rau thơm tiến vua thuở trước cũng mai một mỗi mùa sang. Chỉ riêng ngôi chùa vẫn sừng sững đứng đó, náu mình trong màu xanh của cây lá, với vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, tráng lệ, vừa tinh tế, uyển chuyển. Một vẻ đẹp vừa huyền bí thanh u, lại cũng rất mộc mạc, sáng láng.

Lối vào chùa Láng có hai hàng cây muỗm cổ đứng sóng đôi tạo nên cảnh quan đặc biệt cổ kính và đượm chút sắc màu trầm mặc. Tương truyền, những cây muỗm này đã 500 - 700 năm tuổi.

Một trong những tấm văn bia tại chùa dựng vào năm 1656 từng ca tụng phong cảnh chùa Láng: “Thật là chốn danh lam bậc nhất thế gian không chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng Thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đông, uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên dãy núi đầy thế đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp...".

"Nhớ ngày mùng bẩy tháng Ba,

Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy"

Câu ca xưa nhắc nhớ bước chân ai tìm về bên dòng sông Tô, đến bên ngôi chùa huyền thoại nằm dưới hai hàng muỗm cổ thụ sum suê tỏa bóng và rợp cờ bay trong bầu nắng mới cuối xuân. 

Làng Láng có phong tục mở hội trong ba ngày, từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch. Ngày chính hội là ngày 7.3. Hội lệ là hội mở thường niên, tức là năm nào làng cũng vào đám. Song kỳ chính hội làng Láng thì cứ cách 5 - 7 năm mới mở một lần, vào những năm “phong đăng hòa cốc”, nghĩa là mưa thuận gió hòa, được mùa, no ấm. Hội Láng có quy mô rất lớn, xưa kia thường diễn ra 5 - 7 ngày, với nhiều nghi thức tế lễ cổ truyền và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc. Phương ngôn cổ có câu:

"Thứ nhất là hội Cổ Loa, 

Thứ nhì hội Láng, thứ ba hội Chèm"

Ngày hội làng cũng là dịp để con dân quê hương và khách thập phương ôn lại sự tích đức Thánh được thờ phụng tại ngôi chùa làng. Được tạo lập từ những năm đầu thế kỷ XII, chùa Láng có sự tích hình thành khá đặc biệt. Theo sử sách, đức Thánh Láng chính là vị thiền sư Từ Đạo Hạnh, vị đại thiền sư nổi tiếng thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam Phương ở Việt Nam. Tương truyền, thuở nhỏ, ngài là người thông minh, hiếu học, lớn lên tính tình phóng khoáng, tính thích giao du. Ngài đã lên đường sang học đạo ở Tây Vực rồi trở về tu luyện và truyền đạo Phật ở núi Sài Sơn quê cha, lập nên ngôi chùa Thiên Phúc (tức chùa Thầy) và hóa tại chính ngôi chùa thiêng liêng đó năm 1117. Trong số tượng thờ tại chùa Láng, có tượng thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, được bồi đắp trên nền cốt mây đan. Bên trong có yểm bảy đồng tiền quý. Pho tượng mới được trùng tu vào năm Ất Dậu 2005.

Thời gian mở hội chùa Láng thường đúng kỳ thời tiết khô ráo đẹp trời, bà con làng Láng dù đi làm ăn đâu đâu cũng nô nức về dự hội. Bên cạnh việc tế lễ nghiêm trang, hội Láng còn có những trò vui dân gian đặc sắc như là chọi chim, đánh cờ bỏi, hát quan họ… Nhưng có lẽ sôi động và hấp dẫn nhất là hội thổi cơm thi. 

Hội thổi cơm thi - ảnh xạ của hòa bình, thịnh trị

Hội thổi cơm thi làng Láng được coi là một trò chơi dân gian trong lễ hội, nằm bên ngoài phần nghi thức tế Thánh và thường diễn ra vào buổi chiều ngày vãn hội, mùng 8.3. Nó có đôi nét khác biệt với trò thổi cơm thi ở các hội làng ven đô như Thị Cấm, Phúc Lý, Thượng Cát... Nếu như hội thổi cơm thi ở làng Thị Cấm là ảnh xạ của đất nước còn đang trong thời kỳ chiến tranh giặc giã thì hội thổi cơm thi làng Láng là ảnh xạ của đất nước thời hòa bình, thịnh trị no ấm, sum vầy.

Nét độc đáo của đám hội thổi cơm thi làng Láng là thí sinh phải vừa gánh bếp lửa thổi cơm vừa phải nhảy múa lượn vòng quanh lầu bát giác giữa sân chùa, tạo nên một không khí sôi động, vui tươi, hài hước.

Hội thổi cơm thi làng Láng được chia làm ba đợt, dành cho các đối tượng trung niên, thanh niên và thiếu niên. Mỗi thí sinh vừa phải nấu cơm vừa gắp củi ở một bên tay, củi cháy đến đâu tiếp đến đó. Củi thổi cơm thường được đốt lẫn hương trầm, tạo nên hương thơm ngào ngạt trong không gian đám hội. Mỗi người đeo một chiếc đòn gánh tre nho nhỏ. Một đầu đòn buộc chiếc bếp kiềng kê chiếc niêu đồng nhỏ, bên trong đổ chừng dăm lẻ gạo nước. Một đầu buộc vào dải thắt lưng để giữ thế cân bằng. Sau đó, họ vừa châm lửa vào bếp, vừa gánh nồi chạy quanh sân, vừa đi vừa uốn éo múa hát rập rình, xoay đảo vòng quanh một cách khéo léo để vừa nấu chín cơm, vừa pha trò cho người xem trong tiếng trống thúc liên hồi kỳ trận. Khi củi lửa hầu tàn một đợt, họ liền rút tiếp củi cắp ở bên nách để tiếp vào bếp. Lúc cơm cạn, họ rút bớt củi để lửa lom dom đợi cơm chín tới rồi hạ gánh, trình ban giám khảo. 

Giải thưởng của hội thổi cơm thi làng Láng không hề cao, chỉ mang tính tượng trưng, song không vì vậy mà người đi thi và người đi xem mất đi sự hào hứng náo nức.

Theo tục lệ, hội thổi cơm thi làng Láng được bắt đầu từ khoảng thế kỷ XII; 5 - 7 năm mới mở một lần, theo các kỳ chính hội, diễn ra tại chùa làng, nơi vừa thờ Phật, thờ Thánh, vừa thờ Thành Hoàng.

Trên những cánh đồng hành thơm Kẻ Láng dù không còn rộng lớn như xưa, những người dân làng Láng vẫn đang miệt mài cấy trồng khuya sớm. Không ai khác, chính họ đã đang và sẽ đóng góp nhiều nhất công sức và vật lực để tôn tạo, giữ gìn và bảo vệ những di tích quý giá, cũng như duy trì, phát huy những tập tục lễ hội cổ truyền của quê hương, cũng chính là của mảnh đất Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung