Mùa dưa cũ

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:15 - Chia sẻ
Tôi nhẩm tính nhanh. Thế thì 1 yến dưa gang muối Quế Võ - Bắc Ninh giá tiền chỉ bằng đúng 1 cân cà nén Đình Gừng - Hà Nội. Bao giờ cho hết dịch đây? Chao ôi, thương thế Bắc Ninh ơi!
Nguồn: ITN

Tầm này năm trước, tôi qua thăm họ hàng ở phố Cửa Đông, nơi gia đình tôi từng sống ở đấy hàng chục năm trời. Trong bữa ăn, thấy cô em dâu sắp lên mâm một món trông vừa là lạ vừa quen quen, tôi thốt lên:

- Dưa gang à? Dưa gang muối đúng không? Dễ đến vài chục năm rồi, từ khi mẹ chị mất là chị không còn bao giờ bắt gặp dưa gang muối ở đâu nữa.

- Đây em mua ở chợ Bắc Qua, cất trong tủ đông từ đầu hè. Để em biếu bác vài quả. Chứ ở chợ cũng thi thoảng mới có thôi, không phải lúc nào cũng sẵn...

Chao ôi, chỉ là một món quà quá đỗi đơn sơ mà nó lại đánh động cả một bầu trời ký ức ngút ngàn trong tôi về một thời ấu thơ tươi sáng và bình yên trong phố cổ. Như hiện lên trước mắt tôi hình ảnh người mẹ áo nâu khăn vấn giữa trưa hè nóng nực đang cắm cúi cắt khúc quả dưa gang to tướng chia cho đàn con vừa tan trường đội nắng về nhà. Mỗi đứa chỉ một khúc thôi, ăn cho mát ruột, đỡ cơn khát nước ngày nóng nôi.

Tình thực, dưa gang đâu phải là một thứ hoa quả gì quý giá đáng thèm muốn của tuổi thơ. Nó rất to xác mà rẻ tiền. Hồi ấy chỉ vài ba đồng hào là được đôi ba quả dưa gang dài như quả bí đao non vậy. Vị ngọt của dưa gang chỉ nhan nhát, phao phảo, chẳng có gì đáng gọi là hấp dẫn như các trái quả được coi là ngon lành thời ấy như nhãn vải, mít na, dứa bưởi... Chỉ lúc nào chẳng có gì thì ăn tạm một khúc dưa gang cũng gọi là đỡ nhạt miệng. Ăn đến khúc thứ hai thì chán ơi là chán, thậm chí không nuốt nổi. Có lần tôi thắc mắc với cha tôi: 

- Dưa gang có gì ngon đâu mà chả hiểu tại sao mẹ con hay mua thế ạ? Chắc tại vì rẻ hả bố?

- À, rẻ là một chuyện. Cái chính là tại vì quê ngoại các con là ở Bắc Ninh. Bắc Ninh là thủy thổ của dưa gang. Chắc mẹ ăn từ bé nên quen vị đấy thôi. Quà quê thứ gì mà chả thành ngon, lớn lên các con sẽ biết.

Lớn lên  một chút, tôi cũng chỉ đôi ba lần về quê ngoại, vì chiến tranh giặc giã một phần mà còn vì ở quê chỉ còn họ hàng xa, đường về quê ngoại ngày ấy cũng không tiện tàu xe. Theo mẹ và bà ngoại trong một kỳ về chơi hội làng ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tôi hỏi liền miệng:

- Làng mình có ruộng trồng dưa gang ở đâu thì mẹ chỉ cho con xem đi!

- Bây giờ mới đầu năm, chưa đến mùa trồng dưa gang. Phải sang tháng hai, tháng ba mới vào vụ mới.

- Thế sao mà cứ vào đầu mùa hè mà đã có quả dưa gang to thế ạ?

- À là vì dưa gang rất dễ trồng và rất mau lớn. Chỉ vài tháng là thu hoạch tốt. Nhưng bán cũng chả được tiền mấy. Cứ quen nếp mà trồng thôi.

Tháng tư, tháng năm âm lịch, bắt đầu vào mùa nắng nóng. Những gánh, những xe thồ dưa gang đã về đầy trên phố Hà Nội. Những trái dưa màu xanh mát, bóng mỡ màng trông thật thích mắt. Mẹ tôi xuýt xoa:

- Người dân quê vất vả quá. Mùa thu hoạch dưa đã nắng nóng, lại sắp đến vụ gặt lúa chiêm, trời càng như nung như nấu... Mẹ tôi thường gọi hàng dưa gang mua dăm ba quả to. Cắt cho các con ăn chơi cũng chỉ hết vài quả, số còn lại, mẹ tôi đem bỏ ruột, thái nhỏ như thái miếng bí đao nấu canh. Rồi bà đem xóc dưa gang với chút muối, chút đường, thêm thìa ớt bột và củ tỏi giã nhỏ, nắm lạc rang giã giập và mấy nhánh rau thơm. Dưa gang trộn quả là một món đưa cay thú vị cho bố tôi và cũng hấp dẫn chị em tôi bởi vị chua chua ngọt ngọt của món ăn.
Nhưng không phải ngày nào cũng sẵn lạc, sẵn đường mà trộn. Trường kỳ kháng chiến thì phải là món dưa gang muối.

Thật tôi chưa thấy trên đời có thứ gì mặn như cà bát muối Đình Gừng và dưa gang muối Bắc Ninh. Cá biển khô cũng chả mặn bằng. Có năm rộ mùa, nhà tôi được người họ hàng ở quê gửi lên cho cả một bao tải dưa gang tươi xanh. Ăn sống rồi làm nộm chẳng hết là mấy, bà ngoại tôi lại bày ra muối dưa. Bà sai chị em tôi đem dưa gang lên ban công phơi nắng hướng đông cho heo héo vỏ. Rồi bà đun một nồi to nước muối rất mặn để nguội, tôi nếm thử một tý mà chát xít cả cổ họng. Đoạn, bà xếp dưa từng lớp vào chiếc vại sành Hương Canh to như cái thùng tôn đựng gạo, đổ ngập nước muối, đậy vỉ tre lên trên, đặt chiếc vại nhỡ muối dưa cải sen trong lòng chiếc vại lớn muối dưa gang để nén dưa gang như nén cà bát vậy. Trên chốc vại còn đặt thêm chiếc thớt gỗ nghiến to dày, nặng chịch. Qua ngày hôm sau, bà sai các cháu nhấc chiếc thớt và vại dưa cải sen bên trên để thăm vại dưa gang muối bên dưới. Thấy dưa gang bắt đầu trở từ màu xanh da bát sang màu vàng hanh hanh, bà ngoại lấy dăm quả trên chốc vại bỏ ra, sai chị em tôi đặt dưa gang vào chiếc sàng tre đem lên gác thượng phơi nắng. Phơi liền mấy buổi, quả dưa quắt lại có dễ không bằng một nửa quả dưa tươi và từ từ ngả sang màu trắng ngà. Bà ngoại bảo:

- Dưa này là dưa gang muối xổi phơi nắng. Thái ra ăn được luôn. Chỉ hơi chua chua thôi. Nhưng không để được lâu. Còn dưa trong vại thì là dưa gang nén. Cứ để tha hồ tháng này qua tháng khác. Sang mùa đông vẫn ăn ngon như thường. Người quê Bắc Ninh ăn dưa gang muối quanh năm ấy chứ!

Ngày trước, mỗi bữa cơm nhà tôi, thịt cá thiếu gì thì thiếu, chứ nhất thiết dưa cà cứ phải có một vài món. Hết dưa cà muối xổi lại dưa cà nén chua. Nếu như cà bát nén Đình Gừng đem dầm đường tỏi ớt thì có thêm chút gừng hay chút riềng giã nhỏ thì dưa gang nén Bắc Ninh chỉ đơn giản là dầm đường tỏi ớt. Mà trước khi dầm, phải đem thái nhỏ mà rửa sạch bóp hết nước cho bớt đỡ vị mặn. Dưa gang, cà nén dầm ăn với nước rau muống luộc đánh dấm sấu chua hoặc ăn với canh rau đay mùng tơi mướp hương nấu tôm cua, canh rau ngót hay canh bầu bí nấu trứng tôm đập gừng thì hợp vị lắm. Ăn dưa gang dầm có vị thanh nhẹ hơn ăn cà dầm. Đặc biệt là vị giòn của dưa gang thì ăn đứt cà dầm. Nghĩa là cứ mồm nhai tai nghe, giòn khau kháu, khau kháu. 

Cũng có hôm mẹ tôi đổi món, làm dưa gang muối kho thịt ba chỉ. Thịt không cần cho mắm muối. Để nó ngấm vị mặn từ dưa gang muối sang là vừa. Đổi lại, là vị ngậy của thịt ngấm vào dưa. Ngon ngon là!

Thật ra, cả tuổi thơ tôi cũng chả có được đến vài ba bữa được ăn món đặc sản dưa gang muối kho thịt ba chỉ vì hồi ấy thịt thà cá mú quý hiếm như vàng. Cho nên vị ngon còn cứ lưu nhớ mãi đến tận bây giờ.

Sau này, khi tôi lớn lên rồi lập gia đình riêng thì đã không còn thấy mẹ tôi muối dưa gang tại nhà nhiều như trước nữa, mà bà chỉ thi thoảng ra chợ Hàng Bè mua đôi ba quả về ăn dần. Tôi đoán có lẽ người Bắc Ninh đã không còn trồng nhiều dưa gang như trước. Ngay cả dưa gang tươi cũng chẳng thấy bán trên các phố chợ. Chắc không mấy ai còn thiết tha với cái vị ngọt nhan nhát phao phảo của nó giữa một rừng hoa quả trong Nam ngoài Bắc, rồi hoa quả từ châu Âu đến châu Mỹ đang dần tràn ngập thị trường Hà Nội. 

Thế rồi năm tháng qua đi, người già trong nhà giờ đều đã thành người thiên cổ. Bao món ngon ngày xưa cũng đã theo bước người xưa mà nhạt nhòa trong trí nhớ.

Nghe cô em dâu chỉ dẫn, ngày đầu mùa hạ mới đây, tôi cất công đánh đường lên tận chợ Bắc Qua, lùng sục suốt từ trong đến ngoài, đi từng dãy hàng nghiêng ngó hỏi han cũng chẳng tìm thấy hàng dưa gang muối nào. Hỏi đến một sạp dưa cà to nhất của một cụ bà tóc bạc, cụ ngẩn ra một lúc rồi bảo: 

- Dưa gang muối Bắc Ninh phải không? Từ đầu mùa đến giờ chưa hề thấy hàng nào. Chắc là do giãn cách Covid. Chứ mọi năm cũng thỉnh thoảng có một đôi thùng họ đem lên đấy.

Ngẩn ngơ trở về, tôi lại quyết tâm lùng sục trên mạng. Quả là có một số điện thoại đáng tin cậy. Một lão nông chắc tuổi cũng độ ngoại lục tuần bắt máy trả lời ngay:

- Dưa gang muối hả? Nhà tôi đầy. Nhưng đang giãn cách Covid toàn tỉnh, chả biết làm thế nào. Nhà tôi không trồng, chỉ muối dưa bán thôi. Mỗi tội, dưa gang muối năm nay rẻ lắm. Có 60.000 đồng/yến thôi. Mà bán chậm. Thằng con trai tôi đăng bán trên mạng cũng không có mấy khách. Dịch bệnh, chả ai đưa đi được.

Tôi nhẩm tính nhanh. Thế thì 1 yến dưa gang muối Quế Võ - Bắc Ninh giá tiền chỉ bằng đúng 1 cân cà nén Đình Gừng- Hà Nội. Bao giờ cho hết dịch đây? Chao ôi, thương thế Bắc Ninh ơi!

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung