Giảm tiền thuê đất hỗ trợ doanh nghiệp

Mức nào phù hợp?

- Thứ Tư, 15/09/2021, 07:25 - Chia sẻ
Ngoài một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào thứ 5 tới, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng về việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp lại mong muốn giảm ít nhất 40 - 50%.

Giảm 50% mới thực sự hỗ trợ?

Góp ý dự thảo quyết định về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức giảm ít nhất nên là 50% thay vì 30% như đề xuất của Bộ Tài chính.

VCCI cho biết, cuối năm 2020 đã khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố về tác động của dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, đối với doanh nghiệp nội địa, 76% doanh nghiệp bất động sản, 80% doanh nghiệp khai khoáng và 84% doanh nghiệp nông nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch. Ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 100% doanh nghiệp bất động sản; 95% doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản; và 82% doanh nghiệp sản xuất, chế biến cao su, nhựa, máy móc chịu ảnh hưởng tiêu cực ở mức cao. Đây là những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp có sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và là đối tượng thụ hưởng của chính sách giảm thuế này.

Bình luận về đề xuất của Bộ Tài chính, VCCI cho rằng so với Quyết định 22/2020/QĐ-TTg thì mức giảm tiền thuê đất phải nộp đã tăng lên đáng kể, từ 15% lên 30%. Tuy nhiên để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này cần nâng mức giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 lên 50%. Nếu đề xuất này được thông qua, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với phương án giảm 30% của Bộ Tài chính. Theo VCCI, đây không phải là con số đáng kể so với quyết tâm vượt thu ngân sách vài chục nghìn tỷ đồng trong năm nay.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề xuất mức giảm “cân bằng giữa quan điểm của Bộ Tài chính và VCCI”. Lý do là doanh nghiệp luôn mong muốn được hỗ trợ cao nhất nhưng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, ngoài doanh nghiệp, Chính phủ còn phải hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, hộ kinh doanh… và dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Nguồn: ITN

Giảm 30% là phù hợp! 

Phản hồi đề xuất của VCCI, Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần hỗ trợ giảm bớt khó khăn, nhưng cũng phải bảo đảm tình hình thu ngân sách nhà nước và công bằng với các đối tượng bị ảnh hưởng trên toàn quốc.

Về phía chuyên gia, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đại dịch khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy việc ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, phí là đúng đắn. Tuy nhiên, đề xuất giảm 50% tiền thuê đất của VCCI chưa phù hợp, chưa đáp ứng bài toán cân đối giữa bảo đảm nguồn thu ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn nữa, chỉ một nhóm doanh nghiệp được hưởng chính sách này, nếu giảm nhiều sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước với doanh nghiệp phải thuê đất tư nhân để kinh doanh.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho rằng giảm 30% là phù hợp và cần quy định thêm ràng buộc các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phải giảm tiền thuê đất theo mức tương ứng cho các doanh nghiệp thuê lại đất ở các khu vực này. Bởi lẽ, hiện nay đối tượng được giảm là những doanh nghiệp trực tiếp thuê đất của Nhà nước. Đó là các công ty phát triển hạ tầng như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Trong khi đó quy định lại không ràng buộc các công ty phát triển hạ tầng phải giảm giá cho những doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp làm nhà xưởng, nhà máy. 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong lúc ngân sách còn eo hẹp thì một đồng cũng rất quý, vì vậy chi tiêu, cắt giảm phải hợp lý, hiệu quả và đúng đối tượng. Mức giảm tiền thuê đất nên phụ thuộc vào khả năng ngân sách từng địa phương. Một số địa phương chủ yếu dựa vào tiền thu từ đất, nếu cắt giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tới an sinh xã hội và các khoản chi khác thì cần cân nhắc. Những địa phương có nguồn thu lớn hơn, bảo đảm được an sinh xã hội và các khoản chi tiêu khác thì có thể giảm nhiều hơn. Ngoài ra, cần xem xét mức độ tổn thất của doanh nghiệp bởi thực tế có những địa phương không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh và có những doanh nghiệp có khả năng chi trả.

Tuệ Anh