Mục tiêu kép phải gắn với ổn định vĩ mô

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:12 - Chia sẻ
“Chúng ta nói nhiều về thực hiện mục tiêu kép nhưng cùng với đó phải đặc biệt chú ý đến trụ cột thứ ba là ổn định vĩ mô. Ở đây, ổn định vĩ mô không chỉ là các chỉ số kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội, lao động - việc làm…”, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh tại tọa đàm do Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng qua.

Cuộc tọa đàm với chuyên gia, đại diện các hiệp hội được Ủy ban Kinh tế tổ chức 1 ngày trước phiên họp mở rộng thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch 5 năm sắp tới. Tuy vậy, các đại biểu dường như quan tâm nhiều hơn đến “chuyện của năm nay”.

“Doanh nghiệp đu xà mỏi lắm rồi!”

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), “chuyện của năm nay là phải đánh giá được tác động của dịch Covid-19”. Dịch lần này bùng phát mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi chiếm 10% tổng vốn FDI và đóng góp 15% kim ngạch xuất khẩu của nước ta, do đó sẽ tác động rất mạnh đến 6 khía cạnh: Chuỗi cung ứng, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, lao động - việc làm, nợ xấu và thu ngân sách, vị chuyên gia này nhận định.  

Đặc biệt, làn sóng dịch lần thứ 4 khiến doanh nghiệp càng thêm suy kiệt. Trong 5 tháng qua, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 20,7%, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%. “Hơn năm qua, số doanh nghiệp này đang cầm cự, đu xà, tưởng giai đoạn này là xong. Giờ dịch bùng lên là mỏi, phải buông tay thôi và sắp tới còn buông nhiều hơn. Chỉ cần vài đợt dịch không kiểm soát được là sẽ buông tất”, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận và cho rằng rất cần bàn tính về gói hỗ trợ cho doanh nghiệp lúc này.

Chung mối quan tâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho biết, từ năm 1991 - thời điểm có Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty - đến giờ, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập khoảng 1,6 triệu; số doanh nghiệp đang hoạt động là trên 800 nghìn. “Tỷ lệ sống sót trên 50% như vậy là rất cao so với OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) - thường phá sản trên 30% sau 2 - 3 năm và sau 4 - 5 năm thì khoảng một nửa số doanh nghiệp sẽ rời khỏi thị trường”. Tuy vậy, rất khó để đánh giá sâu hơn xem các khối doanh nghiệp vận động ra sao; không nhìn được thuận lợi, khó khăn của từng ngành; không đánh giá được trong số này có bao nhiêu doanh nghiệp siêu nhỏ lớn lên thành nhỏ, nhỏ thành vừa…

Theo lãnh đạo CIEM, “bức tranh doanh nghiệp hiện nay là bức tranh không màu” vì có rất nhiều câu hỏi không trả lời được. Ví dụ, tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp là bao nhiêu, ra đời bao lâu thì phá sản, số này rơi vào doanh nghiệp trẻ hay doanh nghiệp tồn tại đã lâu? Bởi thế, việc đánh giá tình hình doanh nghiệp để xây dựng các chính sách hỗ trợ là cực kỳ khó.

Không rõ thiếu dữ liệu như vậy có phải là một trong các nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra chưa thực sự đi vào cuộc sống? Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, khi khảo sát về tác động của dịch bệnh và hiệu quả chính sách hỗ trợ, có doanh nghiệp đã trả lời: Muốn hỏi những chính sách hỗ trợ thì lên tivi!

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phát biểu tại cuộc tọa đàm

Ảnh: Lâm Hiển 

Chú ý ổn định vĩ mô

Cũng trong ngắn hạn, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm đều chia sẻ với mối lo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về áp lực lạm phát khi trong nước hiện giờ, giá nhiều mặt hàng, trong đó nguyên vật liệu như thép, dầu tăng cao, còn ở bên ngoài các nước triển khai các gói kích thích khổng lồ.

“Chắc chắn lạm phát sẽ tăng nhưng chưa vượt mức Quốc hội cho phép do sức cầu còn yếu và vòng quay tiền rất chậm”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định. Trong tay ông có nhiều số liệu cho thấy lạm phát 6 tháng năm 2021 có thể vào khoảng 1,85 - 2%, cả năm 3,4 - 3,6%.  “Để đánh giá tác động của giá cả hàng hóa thế giới với Việt Nam, chúng tôi đã tính toán cụ thể. Theo đó, giá dầu tăng 25 - 30% sẽ làm CPI chung cả năm tăng 0,42 - 0,61 điểm phần trăm. Nếu giá nguyên nhiên liệu đầu vào (sắt thép, nhôm, đồng, kẽm) tăng 20 - 25% thì sẽ làm CPI chung tăng nhẹ 0,02 - 0,03 điểm phần trăm. Chi phí logistics còn cao và tỷ trọng chi phí logistics trong giá thành sản phẩm cao khiến tác động từ tăng chi phí logistics đến tăng giá hàng hóa và lạm phát của Việt Nam là khó tránh khỏi. Đó là chưa kể áp lực từ độ trễ cung tiền, giá bất động sản, chứng khoán…”.

Tuy vậy, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo, không nên quá lo lắng về lạm phát mà bóp nghẹt nền kinh tế, bởi như vậy sẽ để lại nhiều hệ lụy. “Chúng ta không chủ quan nhưng cũng cần bình tĩnh với lạm phát và có các giải pháp điều tiết hài hòa”, ông đề xuất.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, diễn biến lạm phát cho thấy tình hình đáng lo ngại về kinh tế vĩ mô. “Chúng ta nói nhiều về thực hiện mục tiêu kép nhưng cùng với đó phải đặc biệt chú ý đến trụ cột thứ ba là ổn định vĩ mô. Ở đây, ổn định vĩ mô không chỉ là các chỉ số kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội, lao động - việc làm…”. Đề xuất của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế. Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm.  

Ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ Việt Nam vượt qua bão Covid-19 trong năm 2020 và đạt được mức tăng trưởng cao thuộc nhóm cao nhất thế giới. Và sẽ không quá lời nếu nói rằng đây chính là một trong những động lực quan trọng và là nội lực của Việt Nam.

Doanh nghiệp phá sản, kinh tế trì trệ, sao ngân hàng vẫn lãi “khủng”?

Đây là câu hỏi Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đặt ra với các chuyên gia trong cuộc tọa đàm.

Ông Sinh cho biết, năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng công bố lãi rất lớn trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế trì trệ vì dịch Covid-19. “Điều này có phản cảm không? Lý giải nghịch lý này như thế nào? Chính sách tiền tệ có vấn đề không? Vai trò nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ ra sao?”, ông nêu hàng loạt vấn đề.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Bản chất hoạt động ngân hàng là huy động vốn và cho vay. Giai đoạn 2019 - 2021, thị trường bất động sản khôi phục, ngân hàng phát mại được tài sản bảo đảm. Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu cũng giúp ngân hàng thu hồi được nợ xấu. Khoản nợ này ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro trước đó và đưa ra ngoài bảng nay được đưa vào lợi nhuận.

Cùng với đó, Thông tư 01 và 03 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng chưa phải chuyển nhóm nợ đối với 357 nghìn tỷ đồng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.

“Như vậy, cả năm 2020, với trên 300 nghìn tỷ đồng không phải trích lập dự phòng và khoản nợ xấu thu hồi được thì ngân hàng công bố lãi như vậy cũng là bình thường”, ông Hùng cho biết. 

Hà Lan