Trung Quốc

Mục tiêu siêu cường công nghệ toàn cầu

- Thứ Hai, 25/01/2021, 06:49 - Chia sẻ
Trong bối cảnh thế giới luôn khát khao có được công nghệ mới, Trung Quốc đã đặt ra quyết tâm tận dụng nhu cầu này để trở thành thị trường công nghệ toàn cầu hàng đầu và vươn lên vị trí siêu cường công nghệ số 1 trên thế giới vào năm 2050.

Theo The Week, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc thực sự đã phát triển nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn, với nền kinh tế kỹ thuật số hiện chiếm khoảng 30% GDP (tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008). Khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc nắm bắt các công nghệ như internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI), chính phủ cũng đang đầu tư đáng kể vào các công nghệ mới để nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc trong đổi mới khoa học và công nghệ.

Nguồn: Shanghai Daily
Nguồn: Shanghai Daily

Trung Quốc gần đây đã đề ra định hướng cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn 2021 - 2025. Công nghệ và đổi mới được coi là trọng tâm của chiến lược này, tập trung vào việc trở thành quốc gia tự cường thông qua tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D). Với dân số hơn 1,4 tỷ người, hơn 100 thành phố với hơn một triệu người và 900 triệu công dân truy cập internet, tiềm năng cho lĩnh vực công nghệ của đất nước gấu trúc là rất lớn.

Đầu tư vào công nghệ mới nổi

Động lực chính thúc đẩy lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc là việc đặt mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu hàng đầu vào năm 2050. Năm 2015, Chính phủ nước này đã vạch ra chiến lược Made in China 2025, kế hoạch quốc gia 10 năm nhằm phát triển ngành sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc như công nghệ thông tin và robot. Điều đó nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang nền kinh tế dựa trên đổi mới.

Chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy phát triển các công nghệ mới nổi thông qua môi trường chính sách hỗ trợ, thiết lập nguồn vốn nghiên cứu quy mô lớn và ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nhân công nghệ. Một trong ba công ty kỳ lân trên thế giới (thuật ngữ dành cho các công ty khởi nghiệp của tư nhân có giá trị hơn 1 tỷ USD) hiện là của Trung Quốc. Quốc gia này cũng chiếm 50% thanh toán kỹ thuật số toàn cầu và 3/4 thị trường cho vay trực tuyến toàn cầu.

Chưa hết, Trung Quốc hiện có thị trường AI lớn thứ hai sau Mỹ và người ta dự đoán, AI có thể đóng góp 26% vào GDP vào năm 2030. Một phần thành công của AI Trung Quốc là nhờ vào dân số khủng, cho phép các công ty tập hợp và khai thác lượng dữ liệu khổng lồ. Việc Trung Quốc nhanh chóng áp dụng AI và các công nghệ dựa trên dữ liệu là động lực tăng trưởng chính.

Chính phủ Trung Quốc cũng có kế hoạch đầu tư hơn 400 tỷ USD vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông cho 5G trong giai đoạn 2020 -  2030. Điều đó sẽ tiếp tục cho phép đổi mới công nghệ trên toàn quốc, tăng phạm vi tiếp cận và khả năng của các hệ thống như thành phố thông minh và IoT.

Đầu tư vào R&D là một phần quan trọng khác trong quá trình thúc đẩy đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về khoa học và công nghệ. Năm 2019, Trung Quốc chi 300 tỷ USD (gần 2,2% GDP) cho R&D, chỉ đứng sau Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 20% ​​tổng chi tiêu cho R&D của thế giới. Trung Quốc cũng đang theo sau Mỹ với tư cách là nhà xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học lớn thứ hai, dấu hiệu rõ ràng cho thấy tham vọng R&D của Bắc Kinh. Hơn nữa, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về tự động hóa và tính đến năm 2019 là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do các yếu tố như thay đổi cơ cấu kinh tế, cạnh tranh toàn cầu và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Những cải tiến trong hoạt động khoa học và công nghệ được củng cố bởi những bước tiến đáng kể trong giáo dục khoa học và kỹ thuật. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất số một thế giới về sinh viên đại học có bằng khoa học và kỹ thuật, cung cấp gần 25% bằng đại học đầu tiên về khoa học và kỹ thuật trên toàn cầu. Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Các ngành công nghiệp trọng điểm

Các ngành công nghiệp ở Trung Quốc đang có tốc độ số hóa khác nhau. Một lĩnh vực đã có sự phát triển vượt bậc những năm gần đây là FinTech (công nghệ tài chính). Xu hướng trên được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ am hiểu công nghệ, hướng tới xã hội không tiền mặt và nhu cầu về các dịch vụ không phải do các ngân hàng quốc doanh lớn cung cấp, chẳng hạn như các kế hoạch tài chính giúp các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân dễ dàng tiếp cận. Các khoản đầu tư FinTech ở Trung Quốc đã tăng 252% từ năm 2010 đến năm 2016, vào thời điểm đó giá trị thanh toán di động của các cá nhân ở Trung Quốc đạt 790 tỷ USD, gấp 11 lần so với Mỹ.

MedTech (công nghệ y tế) cũng trên đà phát triển mạnh. Chính phủ Trung Quốc ưu tiên MedTech trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như robot phẫu thuật, bộ gene, sức khỏe từ xa, chẩn đoán dựa trên AI, thiết bị đeo, R&D về các loại bệnh và cách chữa trị...

Tương tự, lĩnh vực EdTech (công nghệ giáo dục) có tăng trưởng đáng chú ý. Sự phân bổ nguồn lực không cân đối và sự thâm nhập lớn của internet đã thúc đẩy nhu cầu về giáo dục trực tuyến và Trung Quốc coi công nghệ giáo dục là một trong những công cụ chính thúc đẩy ngành này phát triển. Đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới khiến nhu cầu về EdTech rất mạnh.

Ngoài ra, giao thông vận tải phát triển đáng kể những năm gần đây và thị trường xe điện của Trung Quốc hiện lớn nhất thế giới. Năm 2019, nước này có tổng cộng 3,3 triệu xe điện và Bắc Kinh có kế hoạch “điện hóa” tất cả phương tiện trên toàn quốc vào năm 2030, từ đó giúp ích cho kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2060. Đất nước gấu trúc cũng đang tạo ra làn sóng phát triển các phương tiện tự hành. Năm 2019, có ​​77 xe tự hành từ 13 công ty trụ sở tại Trung Quốc đã lái tổng cộng 1,04 triệu kilomet.

Nói chung, các ngành công nghiệp dựa vào đô thị, chẳng hạn như bán lẻ, tài chính và vận tải có tốc độ số hóa nhanh hơn so với các ngành nông thôn truyền thống hơn như nông nghiệp. Các thành phố thông minh là một trọng tâm đặc biệt lớn đối với Trung Quốc và khả năng của chúng sẽ chỉ được tăng lên nhờ công nghệ mới nổi như 5G và AI. Đô thị hóa mới là một trong những phần quan trọng trong kế hoạch phát triển của Trung Quốc, tập trung vào việc tạo ra các thành phố thông minh và ít carbon. Các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải hiện đã có hệ thống và thẻ ID thông minh, chẳng hạn như “đám mây công dân” của Thượng Hải (dựa trên công nghệ điện toán đám mây).

Cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu đang làm thay đổi đáng kể hành vi của người tiêu dùng và phương thức kinh doanh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu về một số công nghệ nhất định. Doanh số bán máy tính và thiết bị điện tử bùng nổ ở Trung Quốc với lợi nhuận từ đầu năm đến nay tăng 35% và các nền tảng thương mại điện tử đồng thời chứng kiến ​​sự gia tăng nhu cầu khi người tiêu dùng mua sắm tại nhà. Trung Quốc là quê hương của công ty thương mại điện tử và bán lẻ hàng đầu thế giới, Alibaba, cũng là công ty AI lớn thứ năm trên thế giới tính đến năm 2020.

Nói chung, sự chú trọng phát triển công nghệ đang giúp Trung Quốc tạo ra lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế, cũng như góp phần nâng cao vị thế nước này trên thế giới, nhất là khi quan hệ Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng.

Ngọc Minh