Mừng hay lo?

- Chủ Nhật, 16/01/2022, 06:19 - Chia sẻ
Theo đại diện Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, bình quân năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta tăng 1,84% so với năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Năm 2021, có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng cao nhất với 0,22%. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng giảm 3,8% so với năm trước và nếu loại trừ yếu tố giá, mức giảm lên tới 6,2%.

Lý giải về mức tăng thấp này, đại diện Vụ Thống kê giá cho biết là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác kiềm chế mức độ tăng CPI như dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí giảm mạnh; việc thực thi chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch như giảm giá tiền điện, hỗ trợ dịch vụ viễn thông; một số địa phương tiếp tục miễn, giảm học phí...

Việc chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng thấp không nằm ngoài dự báo, phản ánh đúng tình hình trong nước và chủ yếu do yếu tố khách quan là dịch bệnh Covid-19. Vậy CPI tăng thấp là mừng hay lo? Cần nhắc lại rằng, trong hầu hết các nhận định của cơ quan chức năng đều cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Và trên thực tế, cũng phải thừa nhận việc giữ được ổn định vĩ mô, lạm phát thấp trong bối cảnh hơn 20 tỉnh, thành phố phải thực hiện phong tỏa trong suốt quý III.2021 - trong điều kiện nền kinh tế mở, chịu tác động nhanh và trực tiếp của kinh tế thế giới như nước ta là một thành tích rất lớn.

Ở chiều ngược lại, CPI tăng thấp cũng là tín hiệu đáng lo ngại bởi tổng cầu và tổng cung của nền kinh tế đều giảm sâu. Nói cách khác, lạm phát thấp là do nền kinh tế suy yếu; là do các chuỗi cung ứng đứt gãy, sản xuất, lưu thông đình trệ, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế chậm...

Theo dự báo, năm 2022, áp lực lạm phát sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của kinh tế thế giới cũng như trong nước. Cụ thể, khi nền kinh tế phục hồi mạnh, áp lực lạm phát sẽ đến từ cả cung và cầu vì kinh tế nước ta có độ mở lớn, nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng đang dần tăng cao, thậm chí sự phục hồi về nhu cầu có thể nhanh hơn khả năng đáp ứng của doanh nghiệp khiến giá tăng và tạo áp lực cho lạm phát. Bên cạnh đó, khi chi phí đầu vào vẫn đang tăng cao như hiện nay và dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới, giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, nước; các mặt hàng liên quan đến dịch vụ giáo dục; nhu cầu du lịch, dịch vụ vui chơi, giải trí tăng sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát.

Như vậy có thể thấy, áp lực lạm phát trong năm 2022 đã hiện hữu khá rõ. Và để kiểm soát, trước tiên cần theo dõi diễn biến giá trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá. Bên cạnh đó, cần đánh giá, phân tích nguyên nhân mặt hàng nào có khả năng thiếu hụt tạm thời cũng như dài hạn để có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, Bộ Công thương phải thông tin kịp thời về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý; chủ động sẵn sàng, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực cho lạm phát.

Ninh Hà