Mỹ đóng “bầu trời mở”

- Thứ Ba, 24/11/2020, 07:26 - Chia sẻ
Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết, nước này đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, thỏa thuận giám sát không phận ký với 34 quốc gia. Đây là động thái mới nhất trong chuỗi quyết định rút khỏi một loạt tổ chức và thỏa thuận quốc tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Lo ngại và tiếc nuối

Hiệp ước này lần đầu tiên được cựu Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đề xuất năm 1955 nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự, nhưng Liên bang Xô Viết lúc bấy giờ đã từ chối tham gia. Sau đó, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush gợi ý lại vấn đề này lần nữa và năm 1992, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, các cuộc đàm phán đã được bắt đầu. Mặc dù hiệp ước được ký kết năm 1992 nhưng đến tận năm 2002, nó mới có hiệu lực với sự tham gia của 35 quốc gia.

Nguồn: ITN

Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các bên tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát trong không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Mỗi quốc gia đều có hạn ngạch hàng năm cho bao nhiêu chuyến bay mà họ phải chấp nhận và bao nhiêu chuyến bay có thể thực hiện.

Chính quyền Mỹ hồi tháng 5 cáo buộc Nga vi phạm điều khoản hiệp ước như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Washington cũng cho rằng, Moscow lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh. Vì vậy, Washington quyết định kích hoạt thủ tục rút khỏi hiệp ước và việc này chính thức có hiệu lực vào ngày 22.11, sau 6 tháng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko từng khẳng định, xứ sở Bạch dương không vi phạm Hiệp ước Bầu trời mở và “không có gì ngăn cản đối thoại giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà phía Mỹ gọi là hành động vi phạm thỏa thuận”. Theo ông, hiệp ước là “một trong những cột trụ an ninh của châu Âu”. Còn phản ứng với việc Mỹ chính thức ra khỏi hiệp ước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu: “Chúng tôi lấy làm tiếc phải nói rằng quyết định của Mỹ khiến hiệp ước này không còn khả thi nữa”. Tuy nhiên, Moscow dự định tìm kiếm những bảo đảm chắc chắn từ các quốc gia vẫn tham gia để thực hiện nghĩa vụ của mình.

Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ lo ngại Mỹ sau khi rời đi vẫn tìm cách tiếp cận nguồn tình báo có được từ hiệp ước thông qua các nước đồng minh NATO ở lại. Đài RT dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh sẽ yêu cầu các nước bảo đảm không cung cấp hình ảnh chụp được từ các chuyến bay trinh sát cho nước thứ 3 không tham gia hiệp ước. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã yêu cầu các thành viên NATO còn lại bảo đảm bằng văn bản rằng bất kỳ dữ liệu nào họ thu thập được sẽ không được chia sẻ với Mỹ. Ông cũng cho biết các căn cứ của Mỹ ở châu Âu sẽ không được miễn trừ các nhiệm vụ giám sát của Nga.

Lâu nay, các thành viên NATO và một số nước Đông Âu nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận do lo ngại Nga sẽ rút khỏi hiệp ước để đáp trả, gây suy yếu an ninh khu vực. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, hiệp ước đã giúp xây dựng lòng tin và thúc đẩy an ninh tại bắc bán cầu, là một phần quan trọng của việc kiểm soát vũ khí. Ông đồng thời khẳng định, tuy Mỹ rút khỏi nhưng Đức vẫn giữ cam kết với hiệp ước.

 “Quả đấm” vào nỗ lực kiểm soát vũ khí

Viết trên Twitter, ông Steven Pifer, thành viên không thường trú tại Sáng kiến ​​Kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí của Viện Brookings, gọi việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là “một đòn nữa” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào các nỗ lực kiểm soát vũ khí, và kêu gọi ông Joe Biden khi được công nhận chính thức là tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ tái gia nhập hiệp ước.

Ông Pifer lưu ý rằng, mặc dù vệ tinh do thám của Mỹ vượt trội so với các máy bay được phép trong Hiệp ước Bầu trời mở, song thỏa thuận này vẫn có “một số lợi thế”. Nó cho các đồng minh và đối tác của Mỹ, những người thiếu hình ảnh vệ tinh rõ nét, cơ hội thu thập dữ liệu xây dựng lòng tin. Ông cho biết thêm, máy bay có “tính linh hoạt cao hơn” so với vệ tinh và các chuyến bay có thể được sử dụng làm tuyên bố chính trị.

Vào tháng 5, ông Biden đã chỉ trích quyết định rút khỏi hiệp ước của Tổng thống Donald Trump, cho rằng bất chấp những vi phạm của Nga, Mỹ và các đồng minh vẫn “được hưởng lợi” từ hiệp ước. Trong tuyên bố được viết khoảng thời gian trên, ông Biden nhấn mạnh “các đồng minh đã nói rõ là họ muốn chúng ta tiếp tục tham gia hiệp ước và cùng nhau giải quyết các vấn đề tuân thủ với Nga”, “nếu không có chúng ta, hiệp ước có thể sụp đổ. Việc rút khỏi sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng ngày càng gia tăng giữa phương Tây và Nga, đồng thời làm tăng rủi ro tính toán sai lầm và xung đột”. Theo ông Biden, quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng đương nhiệm thể hiện một chính sách có tầm nhìn ngắn, khiến nước Mỹ cô độc và từ bỏ vị thế lãnh đạo của mình.

Trưởng đoàn đàm phán Nga về vấn đề an ninh quân sự và kiểm soát vũ khí ở các cuộc đàm phán tại Vienna, ông Konstantin Gavrilov mới đây nhận định, Moscow không loại trừ khả năng dưới thời chính quyền mới, Washington sẽ có thể quay trở lại tham gia Hiệp ước Bầu trời mở.

Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại động thái “đóng bầu trời” là bước đệm cho thấy Mỹ tiếp tục sẽ rời khỏi hiệp ước vũ khí lớn còn lại với Nga: Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), sẽ hết hạn tháng 2.2021. Nó giới hạn Mỹ và Nga không được có quá 1.550 vũ khí hạt nhân được triển khai tại một thời điểm nhất định. Cách đây hơn một tuần, hãng tin Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã quyết định không gia hạn START mới.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Stephan Dujaric, cảnh báo, với hàng loạt hiệp ước quan trọng bị xóa bỏ, nguy cơ chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát trở nên hiện hữu nếu không có các thỏa thuận mới thay thế.

Ngọc Minh