Mỹ sẽ rút khỏi WTO?

- Thứ Sáu, 18/09/2020, 08:35 - Chia sẻ
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa có động thái chọc giận Mỹ khi ra phán quyết nước này vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu, đơn phương áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018. Phản ứng giận dữ của Chính quyền Donald Trump trước phán quyết trên khiến nhiều người không khỏi lo ngại, sau WHO, Mỹ sẽ tiếp tục rút khỏi tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh.

Chiến thắng hình thức

Tranh cãi thương mại Mỹ - Trung chủ yếu xoay quanh việc Mỹ sử dụng điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, cáo buộc Trung Quốc vi phạm luật sở hữu trí tuệ và áp đặt các chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Điều khoản này cho phép Tổng thống Mỹ áp thuế và các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác khi một nước có các quy tắc thương mại không công bằng, làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Mỹ.

Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng 1 năm ngoái đã thành lập một hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại để xem xét khiếu nại của Trung Quốc. Ngày 15.9, Hội đồng này ra phán quyết rằng một số mức thuế chính quyền Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc vi phạm luật thương mại quốc tế. Theo WTO, các quốc gia có một số lý do hạn chế để có thể áp thuế gây ảnh hưởng tới một quốc gia khác. Nhưng Hội đồng ủng hộ lập luận của Trung Quốc rằng các đòn áp thuế của Mỹ nằm ngoài những lý do trên. "Trung Quốc đã chứng minh được rằng thuế bổ sung chỉ áp dụng với sản phẩm Trung Quốc và theo đó đánh mất lợi thế của hàng hóa Trung Quốc so với các sản phẩm tương tự của các thành viên khác trong WTO", Hội đồng này cho biết.

Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng phán quyết của WTO là "công bằng và khách quan", đồng thời hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Trung Quốc gọi phán quyết là "một chiến thắng lớn", rằng đây là "lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với Mỹ" về kinh tế toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, phán quyết chỉ mang lại chiến thắng mang tính biểu tượng đối với Trung Quốc bởi thực tế, phán quyết trên sẽ không có tác động tức thì đến đòn thuế quan của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Thay vào đó, nó chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình pháp lý có thể kéo dài nhiều năm.

Tim Fernholz, nhà phân tích của Quartz, cho biết, theo quy định, Washington có quyền phản đối phán quyết của WTO bằng cách nộp đơn kháng cáo bất kỳ lúc nào trong vòng 60 ngày tới. Mọi kháng cáo trong tranh chấp giữa các thành viên WTO sẽ do Hội đồng Phúc thẩm 7 thành viên của WTO giải quyết. Chính quyền Donald Trump đã làm suy yếu Hội đồng Phúc thẩm bằng cách liên tục ngăn cản bổ nhiệm các thẩm phán của cơ quan này kể từ năm 2017 đến nay khiến cơ quan này không có đủ thành viên hoạt động. Bởi vậy, việc Mỹ kháng cáo sẽ khiến phán quyết của hội đồng WTO lâm vào tình trạng tê liệt và không thể thi hành. Nếu Mỹ thực sự làm như vậy, vụ việc sẽ rơi vào thế bế tắc, không thể tiến cũng chẳng thể lùi, nhưng đó lại là chuyện có lợi cho Washington.

Chuyên gia Jeffrey Schott, thành viên cấp cao của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cũng nhận định phán quyết này sẽ "không tạo ra khác biệt thực sự nào" với hoạt động thương mại của Mỹ khi WTO thiếu cơ quan phúc thẩm. Ông cũng nói thêm rằng phán quyết sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới các điều khoản trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã được ký kết trước đó.

Trong trường hợp cơ quan trên có đủ người và phán quyết được giữ nguyên, theo The New York Times, WTO có thể cho phép Trung Quốc trả đũa nếu Mỹ không thay đổi chính sách hoặc hai bên không nhất trí được về hình thức bồi thường. Với kịch bản Washington không kháng cáo, Bắc Kinh có thể yêu cầu WTO cho phép áp đặt thuế quan lên Washington để bù đắp phần nào thiệt hại từ hành động của Mỹ.

Song, chuyên gia Chad P. Brown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) không tin lắm vào khả năng Trung Quốc tìm kiếm sự trả đũa bởi nước này đã áp thuế đáp trả Mỹ kể từ tháng 7.2018. Thậm chí, theo ông Brown, hành động này của Bắc Kinh có lẽ cũng vi phạm các quy định thương mại toàn cầu bởi nó chưa được WTO cho phép.

Quyết định của ông Donald Trump

Tuy nhiên, phán quyết cho thấy Mỹ đã thất bại trong việc xây dựng một liên minh phản đối Trung Quốc lợi dụng các quy tắc thương mại toàn cầu và phần nào khiến Mỹ “mất mặt”. Điều này dẫn đến phản ứng gay gắt của chính quyền Donald Trump. Nhắc lại mình không phải người hâm mộ WTO, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Washington sẽ “làm điều gì đó” với tổ chức này vì đã để Trung Quốc “thoát tội mưu sát” (theo nguyên văn lời ông Donald Trump). Theo Reuters, “làm gì đó” như ông Trump bóng gió có thể là quyết định rút Mỹ khỏi WTO hoặc tăng cường kêu gọi cải cách tổ chức thương mại 25 năm tuổi này.

Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Cố vấn Thương mại hàng đầu của ông Trump, đã chỉ trích gay gắt phán quyết của WTO: "Báo cáo của hội đồng này đã xác nhận lại điều chính quyền Donald Trump luôn nói suốt 4 năm qua. WTO hoàn toàn không đủ khả năng để ngăn chặn các hành vi công nghệ có hại của Trung Quốc", ông Lighthizer tuyên bố. "Dù hội đồng không bác bỏ bằng chứng mà Mỹ đệ trình về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, quyết định này cho thấy WTO không đưa biện pháp khắc phục nào cho các hành vi sai trái đó".

Lâu nay, WTO luôn phải đối mặt với chỉ trích của giới chức Mỹ. Ông Michael Stumo, Chủ tịch Liên minh vì nước Mỹ thịnh vượng, tổ chức thương mại ở Washington ủng hộ hành động cứng rắn với Trung Quốc, bình luận: "Phán quyết của WTO cho thấy bộ máy quan liêu ở Geneva không muốn Mỹ bảo vệ lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia của mình". Ông Stumo còn cho rằng WTO đang đánh mất vị thế khi bảo vệ mô hình kinh tế của Trung Quốc.

Margaret Cekuta, cựu quan chức tại Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, cho rằng phán quyết mới nhất của WTO hoặc sẽ thúc đẩy quyết định rời WTO của Tổng thống Donald Trump, hoặc củng cố lập luận của Mỹ rằng đã tới lúc phải cải tổ tổ chức này. "Mỹ sẽ có cơ sở để nói rằng WTO đã lỗi thời. WTO sẽ bị chất vấn rằng nếu tổ chức này không thể ra phán quyết về quyền sở hữu trí tuệ, liệu họ có thể ở đâu trong nền kinh tế rộng lớn hơn trong tương lai?" - bà Margaret nói.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley trong bài đăng trên Twitter cũng chỉ trích phán quyết là "bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy WTO đã lỗi thời, cứng nhắc và nhìn chung không tốt cho Mỹ”. Ông thậm chí kêu gọi Mỹ nên rút khỏi tổ chức và dẫn đầu nỗ lực xóa bỏ nó.

Những nhân vật phản đối WTO ở Washington coi tổ chức này là "mối đe dọa chủ quyền" và điểm nóng của thuyết "tư pháp tích cực" vốn đã cản trở nỗ lực của Mỹ chống lại các đối thủ kinh tế, đặc biệt từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này năm 2001.

Chính ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa rút khỏi tổ chức này ngay từ khi còn là ứng cử viên Tổng thống. Tuy nhiên, một quyết định như vậy sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần. Theo giới quan sát, Mỹ chiếm khoảng 11% thương mại toàn cầu. Với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO và việc nước này rút khỏi tổ chức sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng pháp lý kinh doanh toàn cầu. Cụ thể, nếu cắt bỏ các ràng buộc với WTO, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ". Điều này buộc những quốc gia khác phải có biện pháp đáp trả bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, khiến doanh nghiệp Mỹ dễ bị phân biệt đối xử. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá và giảm sự lựa chọn với người tiêu dùng Mỹ, làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm. Đó chắc chắn là điều người Mỹ không mong muốn.

Đạt Quốc