Nam Á thiếu hụt nguồn cung vaccine trầm trọng

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 06:27 - Chia sẻ
Khu vực Nam Á (bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka) có các ca nhiễm chiếm 18% số ca toàn cầu và gần 10% số ca tử vong, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine khiến cho quá trình tiêm chủng bị trì hoãn. Điều này cũng khiến các chuyên gia y tế lo ngại về kết quả chính thức đối với các ca nhiễm cũng như tử vong không phản ánh đúng mức độ thực sự của vấn đề tại khu vực này.
	Nguồn: The Straits Times
Nguồn: The Straits Times

Theo thống kê dữ liệu chính thức của hãng tin Reuters, dẫn đầu khu vực về tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 cũng như tỷ vong là Ấn Độ. Nước này phải vật lộn đấu tranh với làn sóng dịch bệnh thứ hai và tình trạng thiếu vaccine trên toàn khu vực. Mặc dù Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và đã mở chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên, nhưng điều này vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vaccine. Ấn Độ đã và đang sử dụng vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) và Covaxin do công ty địa phương Bharat Biotech sản xuất, đồng thời bắt đầu triển khai vaccine Sputnik V của Nga.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối mặt với những ý kiến chỉ trích ngày càng nhiều về việc không bảo đảm đủ vaccine, khi chỉ khoảng 3% dân số 1,3 tỷ người của Ấn Độ đã được tiêm chủng đầy đủ. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số 10 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ấn Độ đã phải tạm ngừng xuất khẩu vaccine vào tháng 3 sau khi tặng hoặc bán hơn 66 triệu liều. Việc đình chỉ đã khiến các quốc gia bao gồm Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi phải tranh giành nguồn cung cấp thay thế.

Mặc dù đã đưa ra mọi phương án, Ấn Độ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt, một số chính quyền bang, thậm chí cả các thành phố như Mumbai đã phải tìm kiếm sự quan tâm của các công ty như Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson để có nguồn cung khẩn cấp. 

Hiện nay, Ấn Độ khó có khả năng tiếp tục xuất khẩu vaccine cho đến tháng 10, các quốc gia Nam Á khác như Nepal và Bangladesh đang phải nỗ lực ngoại giao để bảo đảm nguồn cung, nhằm hỗ trợ quá trình tiêm chủng bị chững lại khi nguồn dự trữ của họ đang cạn kiệt. Tại Pakistan, với việc mua và nhận được tài trợ từ Trung Quốc và phân bổ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine Gavi, hiện đã bảo đảm hơn 18 triệu liều, và hôm 26.5, quốc gia này đã mở chiến dịch tiêm chủng cho mọi người từ 19 tuổi trở lên. Theo số liệu từ Our World in Data, ít nhất 219.17 triệu liều đã được sử dụng ở Nam Á vào ngày 28.5.

Như Ý