Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số

- Thứ Tư, 08/12/2021, 11:07 - Chia sẻ
Sau 4 năm hoạt động, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” (Dự án EC4) đã thành lập được 2 phòng khám nhạy cảm giới. Kết quả là hơn 90 nghìn người (60% dân số toàn huyện là thanh niên và phụ nữ) tại hai huyện triển khai Dự án đã được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao, nhạy cảm giới, minh bạch và hiệu quả. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo tổng kết Dự án EC4 diễn ra, ngày 7.12.

Cải thiện sức khoẻ sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hội thảo do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc, miền núi, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi phối hợp tổ chức. Hội thảo được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Đây là 2 địa phương được Dự án triển khai.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Dự án EC4 Mai Thị Thanh Hằng chia sẻ, dự án được triển khai tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, thời gian từ năm 2017 - 2021, do Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức ActionAid Việt Nam tài trợ. Với mục tiêu tổng thể là tăng cường các hoạt động của các tổ chức nhân dân hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng và nhạy cảm giới cho các nhóm đối tượng yếu thế ở các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số của Việt Nam. Cụ thể là tăng cường các sáng kiến ​​và mạng lưới tổ chức xã hội tại Việt Nam hỗ trợ quan hệ đối tác đa bên nhằm cải thiện các quyền và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục cho phụ nữ và thanh niên dễ bị tổn thương ở các cộng đồng nông thôn và dân tộc thiểu số.

đại diện Dự án EC4 Mai Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo
Đại diện Dự án EC4 Mai Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo

Theo Ban Tổ chức, Việt Nam có hơn 24,6 triệu thanh niên (tuổi từ 10-24), chiếm gần 1/3 dân số, mặc dù tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực và thế giới, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Dự án EC4 đã huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam. Tại mỗi huyện dự án, việc phân bổ ngân sách địa phương cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tăng lên đáng kể trong hai năm qua.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu Koen Duchateau khẳng định, EU tiếp tục cùng Việt Nam theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững, tuân theo nguyên tắc bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Sau 4 năm thực hiện dự án, tôi thực sự thấy dự án quan trọng và những đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.”, ông Koen Duchateau chia sẻ.

Cũng tại buổi hội thảo tổng kết dự án, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, dự án “Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số” được thực hiện tại hai tỉnh Tây Nguyên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và còn tồn tại tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Lê Sơn Hải phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại hội thảo

“Bên cạnh những nỗ lực của Chính quyền và nhân dân địa phương thì các tổ chức xã hội như ActionAid tích cực tham gia nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho người dân tộc thiểu số là rất đáng hoan nghênh và cần được xem xét nhân rộng. Tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền đã không ngừng nỗ lực chăm lo cho đồng bào- đặc biệt là sức khoẻ sinh sản của thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số”, ông Hải nhấn mạnh.

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14.118.232 người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, công tác y tế và chăm sóc sức khỏe đã được Chính phủ quan tâm.

Phòng khám nhạy cảm giới hoạt động theo hướng bền vững

Sau 4 năm triển khai, dự án đã góp phần thay đổi năng lực của phụ nữ và thanh niên trong việc quyết định và đi đầu trong các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thông qua việc trao quyền cho họ với mạng lưới các Nhóm Phát triển Cộng đồng để được giáo dục và thúc đẩy quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục.

Theo đó, các tổ chức xã hội được chính thức thành lập và đi vào hoạt động tại các địa bàn mục tiêu. Dự án đã thành lập 15 nhóm phát triển cộng đồng trong năm thứ 2, với 15 nhóm phát triển cộng đồng đã hoạt động được nâng cao năng lực tại 2 huyện Lâm Hà và Krông Bông. Có 100% các tổ chức xã hội cấp xã và huyện đã duy trì hoạt động hiệu quả tại 30 xã ở 2 huyện dự án. Kế hoạch hoạt động hàng năm của các nhóm phát triển cộng đồng đã được rà soát vào cuối năm.

Các đại biểu thảo luận về các vấn đề của dự án trong buổi Hội thảo
Các đại biểu thảo luận về các vấn đề của Dự án EC4 trong buổi hội thảo

Bên cạnh đó, dự án cũng đã thành lập được 2 phòng khám về nhạy cảm giới và đi vào hoạt động. 2 phòng khám có đầy đủ với trang thiết bị hiện đại, trang trí bên trong thân thiện với người sử dụng và đội ngũ y bác sĩ có trình độ. Mỗi phòng khám được trang bị các thiết bị chuyên về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục như hệ thống máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa, máy soi cổ tử cung, bàn khám sản và các trang thiết bị cũng như nội thất cần thiết (bàn ghế, bảng thông báo).

Đến tháng 6.2021, tổng số 8.977 phụ nữ và thanh niên đã sử dụng dịch vụ phòng khám, 1.500 phụ nữ và thanh niên được hưởng lợi từ các chuyến tư vấn tại thôn bản. Dịch vụ bàn cố định tại phòng khám hiện phục vụ 300-350 lượt khách / bệnh nhân/tháng và trong 6 tháng qua đã phục vụ gần 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó 90% là phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số đến khám và điều trị phụ khoa, trước sinh. Các trạm y tế cũng thực hiện các chiến dịch truyền thông cung cấp thông tin và bộ vệ sinh cho 1 nghìn người dân tộc thiểu số nghèo để bảo vệ họ khỏi đại dịch Covid-19.

Bác sỹ khám bệnh tại trạm y tế xã Dang Kang, huyện Krong Bong, tỉnh Đắk Lắk
Bác sỹ khám bệnh tại trạm y tế xã Dang Kang, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nơi triển khai Dự án EC4

Là một trong những người hưởng lợi của dự án, bà Triệu Thị Sa ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, được tham gia dự án, tôi và các chị em trong buôn đã biết cách chăm sóc cơ thể mình và thảo luận chuyện này với chồng/bạn trai. Chúng tôi cũng biết chủ động đi khám sức khỏe định kỳ và học cách phòng tránh thai, bảo vệ sức khỏe của bản thân gia đình. Trước đây thì chúng tôi đều kệ hoặc âm thầm chịu đựng hoặc phải đi gần 100km nếu cần khám phụ khoa.

Đặc biệt, Dự án đã thúc đẩy sự hợp tác nhiều bên giữa chính quyền địa phương và giới truyền thông cũng như cộng đồng trong việc thúc đẩy quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục ở Việt Nam đã được chứng minh thông qua việc công nhận chính thức vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan khác nhau và tăng đáng kể phân bổ ngân sách cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong hai lĩnh vực dự án.

Đức Hiệp