Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội - xu thế và yêu cầu cấp bách

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:04 - Chia sẻ
Mục XIII - Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về Quốc hội, trong đó có chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Dự thảo chỉ rõ: “Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng ĐBQH, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp”. Đây là phương hướng, chủ trương hợp tình, hợp lý và đúng đắn của Đảng.

Chất lượng “đầu vào” mang tính quyết định

Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu, nhưng chất lượng “đầu vào” mang tính quyết định. Quốc hội Khóa XV (2021 - 2026) và có thể một vài khóa tiếp theo vẫn duy trì con số 500 đại biểu đại diện cho trên dưới 100 triệu dân. Có thể nói tuyệt đại bộ phận cử tri từ 21 tuổi trở lên (tuổi có quyền ứng cử) đều đạt 5 tiêu chuẩn ĐBQH. Để lựa chọn cho được những người tiêu biểu nhất, những đại diện xứng đáng nhất làm ĐBQH là một việc không dễ. Muốn vậy, cần thiết áp dụng một số giải pháp có tính kỹ thuật.

Một là, Ủy ban Bầu cử Quốc gia cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể 5 tiêu chuẩn ĐBQH để góp phần làm cho việc lựa chọn bớt “trừu tượng”, bớt khó khăn. Ví dụ tiêu chuẩn 2 có đoạn “Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh là tiêu chuẩn đương nhiên đối với mỗi ứng cử viên, nhưng nếu có một trong những hành vi vi phạm tiêu chuẩn thứ 3 thì cũng kiên quyết không đưa vào danh sách đề cử, đặc biệt là tham nhũng - hành vi được xác định là một trong bốn “nguy cơ” của đất nước và được coi là “giặc nội xâm”.

Hay với tiêu chuẩn 3, “có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH”, đây là tiêu chuẩn đòi hỏi phải lựa chọn cho được những người tích hợp được các yếu tố bản lĩnh, trí tuệ, có hiểu biết rộng, toàn diện, có khả năng tham gia, đóng góp nhiều ý kiến vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; có năng lực quyết sách đúng đắn các vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát được việc thi hành. Khi đã có bản lĩnh, trí tuệ, còn phải có đủ sức khỏe để chuyển tải những hiểu biết, trí tuệ đó vào hoạt động thực tế. Bởi vậy, ứng cử viên ĐBQH phải được kiểm tra sức khỏe trước khi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.

Hai là, ứng cử viên ĐBQH phải là người có khả năng tự đào tạo, tự nhân rộng kiến thức trong quá trình làm việc. Bởi, mỗi người nói chung chỉ được đào tạo, làm việc ở một, hai lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, nhiều lắm là vài ba lĩnh vực, trong khi hoạt động của Quốc hội có chiều rộng là toàn bộ các lĩnh vực của xã hội và có chiều sâu là chất lượng hoạt động mỗi thời kỳ phải được nâng lên một cấp độ mới. Bởi vậy, trong quá trình hoạt động, người làm đại biểu phải biết nhân rộng kiến thức sang các lĩnh vực mình chưa biết và nâng cao trình độ ở lĩnh vực đã biết để làm việc ngày càng hiệu quả hơn. Để nắm được khả năng, năng lực của ứng cử viên thì nhất thiết phải có nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức nơi ứng cử viên đang làm việc.

Nếu “đầu vào” lựa chọn được những đại biểu có thực lực và có tiềm năng như vậy, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng ĐBQH.

Tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách

Định hướng trong dự thảo Báo cáo chính trị rất hợp lý, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ Chín. Theo đó, số đại biểu hoạt động chuyên trách tăng từ 35% quy định cho khóa XIV lên 40% ở khóa XV (gồm cả chuyên trách ở Trung ương và địa phương). Nếu Quốc hội Khóa XV được bầu đủ 500 đại biểu thì 40% số đại biểu hoạt động chuyên trách là 200 đại biểu. Về số lượng, tăng 5% (bằng 25 đại biểu) hoạt động chuyên trách trong điều kiện những năm 2021 - 2026 là mức vừa phải (thực tế sẽ chỉ tăng 20 đại biểu, vì hiện nay số đại biểu hoạt động chuyên trách đã là 180 người).

Ở nhiều nước trên thế giới, đã là nghị sĩ thì 100% thời gian là hoạt động cho nghị viện. Ở Quốc hội nước ta trong cơ cấu, đại biểu hoạt động kiêm nhiệm từ nhiều khóa trước vẫn chiếm tỷ lệ cao. Từ khóa X trở lại đây, đại biểu hoạt động chuyên trách mới tăng dần từ trên 20% lên trên 35% như hiện nay. Dù chúng ta chủ trương chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, nhưng cũng phải có bước đi hợp lý, vững chắc như Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định là khá chuẩn.

Vấn đề được đặt ra vẫn là chất lượng, hiệu quả làm việc của đại biểu hoạt động chuyên trách. Muốn đạt được chất lượng, hiệu quả làm việc thì ngoài chất lượng đại biểu như nói ở trên còn yêu cầu đại biểu phải thành thạo công việc. Yêu cầu này đòi hỏi đại biểu hoạt động chuyên trách khóa mới phải là những người đã biết, đã nắm được hoạt động của Quốc hội (bao gồm nguyên tắc, phương pháp, quy trình, trình tự, thủ tục... của mỗi loại chức năng, công việc). Những người đó chính là những người từng làm ĐBQH mà vẫn còn đầy đủ các tiêu chuẩn đại biểu và những người đã hoặc đang phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH. Trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và các khóa sau nên quan tâm thích đáng đến các nguồn ứng cử viên này.

Giảm số lượng đại biểu cơ quan hành pháp và tư pháp

Đây là định hướng sáng suốt, khách quan, nhưng trước hết, hãy xem xét giảm số đại biểu thuộc các cơ quan hành pháp. Tính từ UBND cấp huyện trở lên đến Chính phủ thì số ĐBQH thuộc các cơ quan hành pháp chiếm tỷ lệ khá lớn và có ở hầu khắp bộ, cơ quan ngang bộ, sở, ban, phòng, trung tâm, theo hệ thống dọc các cấp hành chính. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 94, Hiến pháp 2013, “Chính phủ là... cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Việc giảm số lượng ĐBQH thuộc các cơ quan chấp hành cũng có nghĩa là tăng số lượng ĐBQH ngoài các cơ quan chấp hành và đồng nghĩa với việc sẽ bảo đảm (tăng) tính khách quan hơn trong các hoạt động của Quốc hội. Bởi, trong ba chức năng của Quốc hội, khi tiến hành hoạt động đều có những bất cập khi mà số đại biểu thuộc các cơ quan hành pháp quá lớn.

Trong hoạt động lập pháp, hơn 95% số dự án luật đều do Chính phủ trình Quốc hội. Trong soạn thảo luật, không ít trường hợp các bộ, ngành hình thành những điều, khoản, điểm có lợi cho việc thi hành hoặc đem lại lợi ích cho bộ, ngành mình. Khi thảo luận ở Quốc hội, không ít đại biểu thuộc cơ quan hành pháp “tranh đấu”, ủng hộ cho dự thảo luật những điều, khoản, điểm đó, dẫn đến tranh luận qua lại, xin ý kiến, giải trình... tiêu hao khá nhiều thời gian...

Trong hoạt động giám sát đã phát sinh tình trạng né tránh. Lấy hoạt động chất vấn làm ví dụ, tại Khoản 3, Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định “ĐBQH bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”. Tuy nhiên, cùng là ĐBQH, cùng một ngành, nhưng có đại biểu là Bộ trưởng, có đại biểu là Giám đốc Sở, có đại biểu là Trưởng phòng nghiệp vụ cấp huyện, có đại biểu là chuyên viên, nhân viên. Cấp dưới hầu như không chất vấn Bộ trưởng “Bộ mình”. Hoặc nếu có chất vấn thì lại hỏi theo kiểu “mở lối”, “giải vây” cho Bộ trưởng. Nghĩa là chất vấn sao cho kết thúc kỳ họp, trở lại hoạt động trong ngành không bị phê phán là “vạch áo cho người xem lưng”... Bởi vậy, hầu như các phiên chất vấn sôi động, “làm nóng” hội trường, xem ra các câu chất vấn sắc sảo đều của đại biểu ngoài ngành mà Trưởng ngành đang trả lời...

Chấm phá một vài nét như thế để thấy rằng, giảm bớt số đại biểu “lưỡng tính” vừa là lập pháp, vừa là hành pháp sẽ thuận lợi hơn trong đổi mới hoạt động của Quốc hội. Và ngay việc giảm số lượng “đại biểu hành pháp” cũng là một giải pháp đổi mới cơ cấu, đổi mới tổ chức bộ máy của Quốc hội.

TS Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội