Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV:

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm sự liên thông giữa các tuyến

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 21:30 - Chia sẻ
Chiều 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội thảo thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH); báo cáo quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020. Tham gia thảo luận ở Tổ 2, (gồm đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long), các đại biểu đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách về BHXH, BHYT.

Quan tâm đến việc sử dụng Quỹ BHYT, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) lưu ý, một số tồn tại từ nhiều năm trước của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT và khám chữa bệnh (KCB) vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, cần quan tâm là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động KCB và thanh quyết toán chi phí KCB, BHYT. “Chính phủ, Bộ Y tế cần quan tâm việc này, vì không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động KCB, còn bảo vệ những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật trục lợi”, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị.

	Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình ý kiến một số đại biểu Quốc hội Ảnh: Hồ Long
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giải trình ý kiến một số đại biểu Quốc hội
Ảnh: Hồ Long

Trong thời gian qua, việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT và các quy định liên quan. Công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường, Chính phủ tiếp tục áp dụng phương thức giao dự toán chi phí KCB BHYT đến cơ sở KCB để kiểm soát chi khám chữa bệnh BHYT; đã giải quyết được nhiều trường hợp treo quyết toán chi phi KCB BHYT. Tuy nhiên, các ĐBQH Lại Xuân Môn (Cao Bằng), Lê Hoàng Anh lưu ý, hình thức đầu tư của Quỹ BHYT mới tập trung vào hai hình thức mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiền hoặc mua trái phiếu của ngân hàng, trong khi còn nhiều hình thức khác, trong đó cần quan tâm đầu tư vào dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các ĐBQH đề nghị, cần nghiên cứu mở rộng hình thức đầu tư của Quỹ BHYT đã có trong quy định pháp luật, cũng như nghiên cứu sửa đổi chính sách, pháp luật để mở rộng quy mô, tái đầu tư tiền từ quỹ này.

Về phát triển đối tượng tham gia BHYT, các ĐBQH ghi nhận các kết quả đạt được trong thời gian qua. Toàn quốc có 87,97 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,2 triệu người so với năm 2019, 62/63 tỉnh, thành phố  có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 80%, trong đó 34 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% (tăng 6 tỉnh so với năm 2019); tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,85% dân số. Nhưng để thu hút người dân tham gia BHYT, đại biểu Lại Xuân Môn lưu ý, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; bảo đảm sự liên thông giữa các tuyến khám chữa bệnh; ngăn chặn hiện tượng một người có thể đi khám ở nhiều nơi; ứng dụng nhiều công nghệ để tạo thuận tiện cho khám chữa bệnh.

Cũng quan tâm vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, để thu hút người dân tham gia BHYT, tổ chức hệ thống cơ sở KCB hiện nay phải theo mô hình "nón lộn ngược", củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bởi thực tế phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 đã cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở, trong khi lực lượng bác sỹ gia đình không thể tham gia thực hiện hỗ trợ hữu hiệu. Lực lượng y tế cơ sở cũng tham gia tích cực vào triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH.

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ số 2 phát biểu về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13
Các đại biểu Quốc hội tại Tổ số 2 phát biểu về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13
Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến văn bản hướng dẫn thực hiện việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh mắc Covid-19, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho biết, qua tiếp xúc chuyên đề cử tri ngành y tế tại TP Hồ Chí Minh về nội dung này đã ghi nhận nhiều bất cập trong cơ chế này. Ví dụ, các văn bản hướng dẫn thực hiện thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân Covid - 19 đang tách bạch thanh toán phí KCB cho việc chữa Covid - 19 và chi từ Quỹ BHYT cho chữa các bệnh nền khác. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân Covid - 19 bị bệnh nền chưa tham gia BHYT sẽ không được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, dù để chữa được bệnh Covid - 19 phải chữa đồng thời bệnh nền. Dẫn ra một số vướng mắc khác trong áp dụng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn chi trả phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid - 19, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị, cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh mắc Covid-19; việc tham gia BHYT đối với người lao động tại các địa phương trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Làm rõ quan tâm của các ĐBQH, ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Vĩnh Long) cho biết, trong thời gian qua, mô hình bác sỹ gia đình đã được triển khai ở một số địa phương. Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, trạm y tế xã phường phát huy hiệu quả cao hơn. Bác sỹ gia đình thực tế chỉ là một phòng khám không thể bảo đảm tiêm chủng, xét nghiệm, trong khi trạm y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ này. Hiện nay, chúng ta cũng đã thay đổi nguyên lý y tế gia đình để bảo đảm người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe, khi ốm đau được khám chữa. “Chúng tôi đang tổng kết đóng góp của mô hình bác sỹ gia đình, trạm y tế xã phường trong dịch bệnh Covid - 19 thời gian qua để hoàn thiện hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ người dân. Thực hiện một số cải cách để tránh gây quá tải cho hệ thống y tế cơ sở ở khu vực đô thị tập trung đông dân”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Thanh Hải