Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh Bình Dương

Nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng kinh tế số

- Thứ Năm, 16/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Ghi nhận những kết quả, điểm sáng tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X tại Kỳ họp thứ 3 xác định mục tiêu tổng quát của năm 2022: Tập trung mọi nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, duy trì trạng thái bình thường mới bảo đảm an toàn, hiệu quả. Phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số...

Phục hồi tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nghị quyết của HĐND tỉnh đánh giá: năm 2021, trong bối cảnh tình hình trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế đối mặt với nhiều thách thức nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới”. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,62% so với năm 2020; GRDP bình quân/người/năm ước đạt 152,25 triệu đồng/năm. An sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được bảo đảm, đời sống người dân được ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn, tồn tại, trên cơ sở đó xác định mục tiêu tổng quát của năm 2022 là: tập trung mọi nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, duy trì trạng thái bình thường mới bảo đảm an toàn, hiệu quả. Phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; góp phần hoàn thành mục tiêu cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Tiếp tục phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh...

Tỉnh phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 như: GRDP tăng 8 - 8,3% so với năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; GRDP bình quân/người khoảng 169,8 triệu đồng/năm; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91,75%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 98,4%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ độ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%. Tỷ lệ cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đạt 15%; tỷ lệ các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh đạt 25%.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương biểu quyết thông qua các nghị quyết tại Kỳ họp thứ 3 bằng ứng dụng công nghệ

4 chương trình đột phá chiến lược, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện được những mục tiêu trên, HĐND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra, trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc 4 Chương trình đột phá chiến lược và 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa - xã hội. Xây dựng các giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công năm 2022, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Quan tâm thực hiện các giải pháp thu hút mọi nguồn lực cùng với ngân sách nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng các công trình trọng điểm, tạo sự kết nối và sức lan tỏa lớn.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các giải pháp cụ thể tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tận dụng tối đa cơ hội thu hút đầu tư trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển vốn và công nghệ trong khu vực và trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian và chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

NGUYỄN NHẬT