Công tác ngành tòa án nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nâng cao hiệu quả giám đốc thẩm, tái thẩm

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:30 - Chia sẻ
Đánh giá kết quả công tác của ngành tòa án trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp, các thành viên Ủy ban ghi nhận, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng. Mặc dù vậy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Vì vậy, Tòa án Nhân dân Tối cao cần nâng cao hiệu quả giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-TANDTC ngày 18.6.2020 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tòa án nhân dân; Chỉ thị số 04/2020/CT-CA ngày 11.6.2020 về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án Nhân dân; Chỉ thị số 05/2020-CT-CA ngày 28.7.2020 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong các Tòa án Nhân dân. Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đã chú trọng bổ sung cán bộ cho các Tòa án Nhân dân cấp cao nhằm thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, trong đó có nhiệm vụ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm… Nhờ đó, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết. 

Tỷ lệ đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết tăng qua các năm và tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ (tăng 26,2%). Các tòa án cũng đã tập trung phân loại, giải quyết và bảo đảm không có đơn quá thời hạn giải quyết theo luật định. Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận. Ngành tòa án cũng đã khắc phục được căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Qua công tác giải quyết đơn, số lượng các bản án, quyết định phát hiện có vi phạm bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giảm hàng năm cho thấy các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã phát huy tác dụng.  

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng nhận thấy, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội giao là 60%. Do đó, Tòa án Nhân dân Tối cao cần đánh giá cụ thể hơn các nguyên nhân và tiếp tục có giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ tới.

ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa -Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp toàn thế lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp  

Ảnh: Hồ Long 

Tổng kết thi hành các luật về tư pháp

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho biết, trước đây, Ủy ban Thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, sau khi sửa đổi các luật về tố tụng thì chỉ tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án Nhân dân Tối cao mới có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của tòa án nhân dân cấp huyện. Thực tiễn cho thấy, rất hiếm trường hợp tòa án nhân dân cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án của tòa án cấp huyện. Theo ghi nhận của đại biểu Nguyễn Duy Hữu, từ ngày có quy định mới đến nay, chỉ thấy đúng 1 trường hợp. “Qua đó để thấy rằng, kiểm soát của tòa án cấp cao đối với tòa án cấp huyện, vốn là cấp sơ thẩm nhiều nhất, vẫn còn hạn chế”, đại biểu Hữu nói. 

Lý giải nguyên nhân dẫn tới số lượng đơn tái thẩm, giám đốc thẩm ở các tòa án nhân dân cấp cao tăng rất nhiều, ĐBQH Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, sau khi xử án, những người thua kiện (tập trung nhiều nhất ở các bản án án hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình…) đâm đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm lên tòa án cấp cao với tâm lý “được thì được, không được thì thôi” vì không mất phí. Thực tiễn cũng cho thấy, số lượng đơn kiến nghị ngày càng tăng, trong khi nhân lực của tòa án nhân dân cấp cao không đủ, việc xem xét các đơn giám đốc thẩm, tái thẩm lại tốn nhiều thời gian tương đương với việc xem xét một vụ án do phải tuân thủ đủ các thủ tục, trình tự xem xét một vụ án. Do đó, đại biểu Phạm Đình Cúc đề nghị, cần tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm kịp thời đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời, cần xem xét lại quá trình giải quyết các vụ án xem có quy định nào còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ dẫn tới tỷ lệ các bản án bị tái thẩm, giám đốc thẩm tăng cao.

Hiện nay, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao đều có quyền kháng nghị, nhưng hồ sơ thì chỉ có một. Nếu hồ sơ ở bên này thì không có ở bên khác. Trong khi đó, tòa án muốn nghiên cứu kháng nghị hay không kháng nghị thì phải có hồ sơ. Vì thế, cho dù tòa án có cố gắng đến mấy cũng không thể giải quyết được hết các đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Nêu lên thực tế này, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Công Phàn đề nghị, cần có cơ chế để tòa án và viện kiểm sát phối hợp với nhau ngay từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, tránh tình trạng viện kiểm sát thì bảo không có căn cứ kháng nghị còn tòa án lại bảo có căn cứ kháng nghị và ngược lại.

Từ những vấn đề được các đại biểu nêu ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16, các thành viên Ủy ban Tư pháp kiến nghị, Tòa án Nhân dân Tối cao cần đẩy mạnh công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành các luật trong lĩnh vực tư pháp, nếu cần sửa đổi, bổ sung thì cần kịp thời báo cáo, đề nghị Quốc hội xem xét để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Nhật An