Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND kiêm nhiệm

Bài 1: Vừa là chủ thể, vừa là đối tượng giám sát

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:26 - Chia sẻ

Tại Hội nghị giao ban công tác HĐND lần thứ 9 vừa qua giữa Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Bình Phước với Thường trực, các Ban HĐND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn vừa qua, một chủ đề được quan tâm tham luận, thảo luận đó là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND kiêm nhiệm. Theo các đại biểu, cần giảm số lượng đại biểu công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp, tăng số lượng đại biểu thuộc khối đảng, đoàn thể, hội đặc thù; quan tâm hiệp thương giới thiệu đại biểu có nhiều đóng góp trong hoạt động của HĐND tham gia ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Theo Thường trực HĐND huyện Chơn Thành, một trong những khó khăn, hạn chế có lẽ các địa phương đều gặp phải đó là một số đại biểu HĐND giữ cương vị lãnh đạo là người đứng đầu của một số cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nên trong hoạt động giám sát đại biểu đó vừa là chủ thể thực hiện (thành viên đoàn giám sát), vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn lúng túng trong việc thể hiện đầy đủ trách nhiệm là thành viên đoàn giám sát của mình.

Góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề

Đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện Chơn Thành có 30 đại biểu, trong đó có 4 đại biểu chuyên trách (2 Phó Chủ tịch, 2 Phó trưởng Ban HĐND huyện) và 26 đại biểu kiêm nhiệm, với trên 93% đại biểu có trình độ đại học trở lên. Đến thời điểm hiện tại, do chuyển công tác và nghỉ hưu nên HĐND huyện còn 22 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu chuyên trách (2 Phó Ban HĐND huyện) và 20 đại biểu kiêm nhiệm. Nhìn chung, các đại biểu HĐND kiêm nhiệm đã cơ bản hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Thường trực HĐND huyện Chơn Thành, Bình Phước tổ chức Hội nghị giao ban công tác HĐND với các xã, thị trấn lần thứ 8
Ảnh: Đỗ Trình

Cụ thể, các đại biểu là thành viên của các Ban HĐND huyện sau khi nhận được Kế hoạch giám sát, thẩm tra của Ban HĐND đã chủ động bố trí, sắp xếp công việc, tham gia tương đối đầy đủ; chủ động nghiên cứu tài liệu, qua đó đã đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng trong hoạt động giám sát và thẩm tra của các Ban HĐND huyện. Mặt khác, khi Thường trực HĐND huyện tổ chức giám sát đã mời nhiều đại biểu có trình độ chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến nội dung giám sát cùng tham dự các đoàn và đã có những đóng góp tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND huyện.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan đơn vị, địa phương mình, những bất cập trong công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực cụ thể và những vấn đề nhiều cử tri quan tâm, bức xúc, đại biểu HĐND huyện kiêm nhiệm đã đề xuất với Tổ đại biểu HĐND huyện và trực tiếp chất vấn lãnh đạo UBND huyện hoặc thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn. Qua đó, nhiều nội dung chất vấn được lãnh đạo UBND huyện hoặc thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn giải trình, đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành.

Trong hoạt động thảo luận tại tổ đại biểu trước kỳ họp và trực tiếp tại kỳ họp HĐND huyện, đại biểu kiêm nhiệm đa số là những đại biểu có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mình công tác hoặc là những đại biểu nắm chắc thực tiễn tại các địa phương. Từ đó, đã tham gia nhiều ý kiến sâu sắc vào các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp và kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lúng túng trong thể hiện trách nhiệm

Tuy nhiên trên thực tế, một số ít đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nắm bắt chưa toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước nên chưa thực sự tích cực tham gia phát biểu, thảo luận tại các buổi thảo luận tổ và trong các kỳ họp HĐND. Việc tham gia vào các hoạt động chất vấn tại các hội nghị chất vấn giữa hai kỳ họp và trực tiếp tại mỗi kỳ họp HĐND của phần lớn đại biểu kiêm nhiệm còn hạn chế do còn tâm lý nể nang, ngại va chạm, thậm chí có đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa chất vấn lần nào. Một số đại biểu khi nêu câu hỏi chất vấn mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm thông tin, chưa quyết liệt trong việc truy đến cùng vấn đề mà mình chất vấn.

Một trong những khó khăn, hạn chế mà có lẽ các địa phương đều gặp phải đó là một số đại biểu giữ cương vị lãnh đạo là người đứng đầu của một số cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nên trong hoạt động giám sát đại biểu đó vừa là chủ thể thực hiện (thành viên đoàn giám sát), vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn lúng túng trong việc thể hiện đầy đủ trách nhiệm là thành viên đoàn giám sát của mình.

Thực tế hoạt động của HĐND huyện Chơn Thành cho thấy, để phát huy vai trò của các đại biểu kiêm nhiệm cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho đại biểu HĐND, nhất là đối với các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm. Việc tập huấn phải được triển khai và tổ chức thường xuyên hàng năm, chú trọng bồi dưỡng cho đại biểu kỹ năng trong hoạt động thẩm tra, giám sát, thảo luận, lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp... Thường trực HĐND cũng cần tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho các đại biểu HĐND với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, đặc biệt đối với các đại biểu kiệm nhiệm. Thường trực HĐND cần ban hành quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm đối với đại biểu HĐND cấp mình, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế làm căn cứ thực hiện và cũng là cơ sở để thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho đại biểu hàng năm, như vậy trách nhiệm của đại biểu HĐND sẽ được nâng lên.

LÊ PHƯỚC