Nâng cao hơn nữa nhận thức giới trong hoạt động lập pháp

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:26 - Chia sẻ
Mặc dù quy định về lồng ghép giới, bảo đảm bình đẳng giới trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật đã có từ lâu nhưng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG, vẫn cần tiếp tục nâng cao nhận thức về giới trong hoạt động lập pháp, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên cơ quan soạn thảo bởi hiện nay, việc đánh giá tác động chính sách về giới trong nhiều dự án luật vẫn rất hình thức, thậm chí là đối phó, chưa đạt yêu cầu nên khi cụ thể hóa thành các điều luật cũng chưa thực sự bảo đảm được bình đẳng giới.

Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ

- Bà đánh giá như thế nào về lồng ghép giới trong hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay?

- Vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Điều đó thể hiện trong văn bản cao nhất của Nhà nước là Hiến pháp năm 1946 đã quy định về quyền bình đẳng nam nữ. Kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp 1946, bình đẳng giới ngày càng được quan tâm trong quá trình lập pháp, lập quy và để thể chế hóa quyền này một cách cao nhất và tập trung thì năm 2006 Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới.

Ảnh: Trung Thành

Thực hiện các quy định của Luật Bình đẳng giới về nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong các văn bản luật, khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các cơ quan soạn thảo đã quan tâm hơn đến việc lồng ghép bình đẳng giới. Điều này càng được chú trọng khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trong hồ sơ trình dự án luật phải có báo cáo đánh giá tác động về giới.

Có thể nêu ra một số luật chuyên ngành đang có hiệu lực thi hành đã thể chế hóa vấn đề bình đẳng giới khá tốt như: Luật Đất đai (đề cập đến vấn đề Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi nhận tên của 2 vợ chồng), Luật Hôn nhân và gia đình (ghi nhận tài sản có được trong thời gian sống chung là tài sản chung của 2 vợ chồng) và đặc biệt là Bộ luật Lao động gần đây có rất nhiều các chính sách mới liên quan đến nội dung bình đẳng giới như bảo đảm quyền bình đẳng của người lao động trong thực hiện chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ phù hợp với giới tính (như quy định về ngành nghề sử dụng lao động nữ, chồng được nghỉ khi vợ sinh con, rút ngắn khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam, nữ…), cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp về tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ chi phí gửi trẻ, mẫu giáo của người lao động, hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống phân biệt đối xử và quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xem là biện pháp chiến lược để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Các quy định về bình đẳng giới trong các luật nêu trên và một số luật khác đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Còn hình thức, chưa đạt yêu cầu

- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định hồ sơ các dự án luật, pháp lệnh phải có đánh giá tác động chính sách về giới. Quy định này đã được thực hiện trong thực tế như thế nào, thưa bà?

- Điều 35 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định một trong các tài liệu phải có trong hồ sơ trình dự án luật, pháp lệnh là báo cáo đánh giá tác động về giới (nếu có). Từ đó đến nay, hầu hết các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có báo cáo đánh giá tác động về giới. Tuy nhiên, chỉ có một số dự án có báo cáo đánh giá tác động về giới đầy đủ, cụ thể và đạt yêu cầu, còn lại, có thể nói là ở hầu hết các dự án luật, việc đánh giá tác động về giới rất hình thức, đối phó và chưa đạt yêu cầu. Việc này cũng có nhiều nguyên nhân, ví dụ như nhận thức về giới của cơ quan soạn thảo và nguồn lực để thực hiện (chuyên gia am hiểu về giới và kiến thức chuyên ngành, số liệu minh chứng các chính sách về giới, kinh phí thực hiện), thời gian dành cho việc đánh giá tác động về giới, sự phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan có liên quan… cũng còn nhiều hạn chế.

- Để tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động lập pháp, theo bà cần làm gì?

Từ những nguyên nhân nêu trên, theo tôi, có thể rút ra một số giải pháp để nâng cao việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong lập pháp từ khâu soạn thảo tới ban hành. Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về giới của lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, thẩm tra, cơ quan có thẩm quyền ban hành, thông qua văn bản quy phạm pháp luật cũng như toàn xã hội. Hai là, đào tạo cán bộ, chuyên viên đáp ứng yêu cầu vừa có kiến thức về giới vừa có kiến thức chuyên ngành; tham vấn các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế về các vấn đề liên quan đến giới cũng như chuyên ngành, tham vấn cộng đồng trong quá trình soạn thảo văn bản. Ba là, tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo với các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu, bao gồm các tổ chức xã hội nghiên cứu về giới để thu thập các ý kiến về giới và chuyên ngành; hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thu hút thêm nguồn lực để thực hiện việc lồng ghép, đánh giá tác động về giới trong văn bản quy phạm pháp luật. Bốn là, hoạch định kế hoạch soạn thảo và ban hành văn bản hợp lý, khoa học; phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo văn bản khác cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan để bảo đảm chính sách về giới đề xuất khả thi và phù hợp với các chính sách khác do các cơ quan khác đề xuất ban hành.

- Xin cảm ơn bà!

Trung Thành thực hiện