Pháp luật về an sinh xã hội

Nâng cao khả năng thích ứng

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:06 - Chia sẻ
Thực tiễn triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 đi đôi với khôi phục, phát triển kinh tế cho thấy một số vướng mắc cần khắc phục trong quy định pháp luật về an sinh xã hội, lao động, việc làm. Vì vậy, bên cạnh các yêu cầu nói chung về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế…, hệ thống pháp luật cần đáp ứng yêu cầu riêng về tính thích ứng. Đó là khả năng dự liệu, bảo đảm tính kịp thời trong điều chỉnh chính sách; tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là quy trình ban hành hướng tới sự nhanh chóng, kịp thời.
Người dân nhận hỗ trợ do ảnh hưởng Covid -19
Nguồn: ITN

Quy trình, thủ tục chưa phù hợp

Theo Dự thảo “Báo cáo rà soát, đánh giá khả năng thích ứng của hệ thống pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nói riêng và tình hình thiên tai, dịch bệnh nói chung” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, việc ứng phó với những thiệt hại về kinh tế - xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra đã cho thấy một số hạn chế của hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Cụ thể như mức độ bao phủ còn thấp nên mới chỉ bảo vệ được một bộ phận người lao động bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, Điều 88, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định một số trường hợp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy định này là phù hợp trong điều kiện bình thường, song chưa dự liệu được trường hợp người sử dụng lao động, người lao động tạm thời gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Và quan trọng hơn cả là quy trình, thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa phù hợp khi số lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao trong bối cảnh phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24.4.2020, Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19.10.2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 nhằm kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đồng thời có những giải pháp cải tiến quy trình, thủ tục hành chính để người dân dễ dàng, nhanh chóng hoàn thành thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, để ứng phó tốt hơn với những diễn biến khó lường của thiên tai, dịch bệnh, nên nghiên cứu mở rộng quy định tại Điều 88, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 với cả trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng chưa đến mức phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh; đồng thời sửa đổi các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có thể xây dựng quy trình rút gọn trong bối cảnh dịch bệnh.

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và lao động trong đại dịch tại Australia, TS Lê Châu Ngọc Toàn, Giảng viên Đại học Monash, Australia cho biết: Chính phủ Australia đã ban hành 2 gói cứu trợ là JobSeeker và JobKeeper. Cụ thể, gói JobSeeker được ban hành tháng 3.2020, dành cho những người đang tìm việc làm với mức hỗ trợ khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng (người độc thân không có con hay người chăm sóc chính). Còn gói JobKeeper hỗ trợ người sử dụng lao động trợ cấp tiền lương cho nhân viên bị ảnh hưởng bởi việc giảm giờ làm. Doanh nghiệp có thể đăng ký nhận trợ cấp nếu bị lỗ 30% trở lên. Hai gói trợ cấp này được ghi nhận là đã giúp 2,2 triệu người Australia thoát nghèo, 44% doanh nghiệp cho biết thông báo về gói cứu trợ JobKeeper ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục tuyển dụng nhân viên của họ. Ưu điểm lớn nhất của hai gói trợ cấp này đều là thông tin dễ dàng đến với đối tượng hưởng lợi; quy trình nhận trợ cấp đơn giản, hầu hết doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng có thể hưởng lợi từ các khoản thanh toán hỗ trợ.

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết ngày 30.6.2020 có 1.519 đơn vị đã nộp hồ sơ được phê duyệt tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tương ứng với 130.794 lao động và số tiền được tạm dừng đóng khoảng 475 tỷ đồng.

Hướng tới giảm nghèo đa chiều, theo đầu người

Thực tế cho thấy, quá trình triển khai chính sách hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg khá kịp thời và thuận lợi do không cần phải xác định đối tượng (danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có sẵn tại địa phương).

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Bích Thúy - thành viên Ban soạn thảo, chính sách giảm nghèo hiện nay của nước ta chưa áp dụng chuẩn nghèo đa chiều về nhóm trẻ em nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, do vậy chưa đo lường được một cách chính xác những thiếu hụt cụ thể của trẻ em, trong khi những thiếu hụt của trẻ em rất khác với những thiếu hụt của người lớn, dẫn tới trẻ em không được hưởng các hỗ trợ theo nhu cầu. Chính sách giảm nghèo của Việt Nam đặt mục tiêu và có giải pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo, trong khi Liên Hợp Quốc đang hướng tới giảm nghèo theo đầu người.

Vì vậy, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong tương lai, cần hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo theo tiếp cận giảm nghèo đa chiều và giảm nghèo theo đầu người. Thông qua đó, mở rộng đối tượng của các chính sách giảm nghèo bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đối tượng nghèo thu nhập và đối tượng không nghèo thu nhập nhưng chưa đạt tiêu chuẩn tối thiểu trên các chiều cạnh khác; nhóm nghèo trẻ em đa chiều; tái nghèo hoặc nghèo phát sinh do thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đồng thời, có chính sách, giải pháp tăng cường năng lực của người nghèo trong ứng phó với rủi ro thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ người dân có sinh kế bền vững thông qua đào tạo, chuyển đổi việc làm; khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp để bù đắp tổn thất do tác động của thiên tai, dịch bệnh…

Hoàng Tuấn