Nâng cao năng lực của y tế cơ sở

- Thứ Tư, 10/11/2021, 18:28 - Chia sẻ
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà ( TP. Hà Nội) chất vấn, cử tri rất chia sẻ đối với những hy sinh, khó khăn, vất vả của ngành Y tế trong suốt thời gian qua và cho rằng việc thành lập trạm y tế xã đã khó nhưng việc bảo đảm chất lượng của trạm y tế xã còn khó hơn nhiều. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp để giải quyết khó khăn này? Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc để xảy ra tình trạng thiếu về số lượng, nhất là chức danh bác sĩ, hạn chế về chất lượng, cơ cấu nhân lực chưa phù hợp, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy còn thấp, nhiều nơi không có đủ nhân lực và trình độ chuyên môn. Vậy giải pháp nào để khắc phục?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) chất vấn 
Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về giải pháp tăng cường năng lực cho tuyến xã thì đây là vấn đề mà cử tri, Nhân dân cả nước và đặc biệt là ngành Y tế đã quan tâm trong suốt thời gian qua. Có thể nói rằng, hệ thống y tế của chúng ta đã được sắp xếp theo các cấp hành chính đối với y tế cơ sở theo Chỉ thị 06 của Ban Bí thư và Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương bao gồm kể cả đối với tuyến huyện và tuyến xã như đã báo cáo với các đại biểu. Trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở về cơ bản đáp ứng theo yêu cầu đối với tình hình bình thường nhưng thực tế lại không đáp ứng được khi tình hình dịch xảy ra, nhất là đối với những địa bàn có diễn biến phức tạp.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn
Ảnh: Quang Khánh

Mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là đối với các địa phương đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đối với các trạm y tế tuyến xã, tuy nhiên, về mặt thực tế, chúng ta vẫn còn tỷ lệ một số trạm y tế chưa được xây dựng cũng như chưa được sửa chữa để đảm bảo theo các quy định (còn khoảng hơn 20% các trạm y tế này).

Thứ ba là năng lực của y tế cơ sở, nhất là đối với tuyến xã: Cho đến thời điểm hiện nay chỉ có 48,4% các trạm y tế đảm bảo thực hiện được 80% các dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã. Đây là một thực tế đang xảy ra và kể cả ở một số địa bàn ở ngay những tỉnh, thành phố lớn. Chính vì vậy, một trong những hoạt động mà ngành Y tế đang rất quan tâm đối với vấn đề về y tế cơ sở đang gấp rút chuẩn bị Đề án tăng cường năng lực cũng như tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế cơ sở bao gồm kể cả tuyến huyện và xã. Đối với xã thì có nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Trước nhất là liên quan đến công tác tổ chức, cần phải đánh giá và cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của trạm y tế xã thay vì là theo cấp hành chính, mỗi một phường, xã có một trạm y tế. Thế nhưng thực tế có những phường chỉ có 10 nghìn dân nhưng có những phường lên tới 130 nghìn dân. Trong khi đó lực lượng y tế tại trạm y tế xã tối đa khoảng 12 người và vì vậy khi dịch bệnh xảy ra là không đáp ứng được theo yêu cầu. Bộ Y tế đã nghiên cứu, báo cáo, trao đổi với các chuyên gia và các cơ quan, theo thông thường mỗi 10 nghìn người thì có một trạm y tế và đây là điều đang đưa ra trong nghiên cứu để có thể sắp xếp, cơ cấu lại đối với y tế cơ sở, nhất đối với trạm y tế xã để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải và không bị như những hạn chế trong thời gian qua gặp phải tại TP. Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương. Nên tại sao Chính phủ phải đưa ra giải pháp là trạm y tế lưu động để khắc phục điểm này.

Ảnh: Quang Khánh

Về vấn đề tăng cường đầu tư, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thu hút nguồn đầu tư, nhất là nguồn từ những tổ chức quốc tế như ADB, World Bank với tổng đầu tư khoảng 200 triệu USD cho 29 tỉnh, thành phố, những tỉnh khó khăn để đầu tư cho các trạm y tế. Đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa khoảng gần 1.000 trạm y tế nhưng so với nhu cầu thực tế đặt ra cũng không đáp ứng được theo yêu cầu. Do đó, thời gian tới , Bộ trưởng cho biết sẽ trình Quốc hội Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế, trong đó có việc đầu tư cho trạm y tế xã.

Chất vấn của đại biểu về nhân lực y tế không đáp ứng được theo yêu cầu thực tế, Bộ Y tế đã và đang và sẽ đưa ra những giải pháp, trong đó có vấn đề về tăng cường năng lực qua nhiều hình thức như luân phiên, luân chuyển đưa bác sĩ từ trạm y tế xã lên các trung tâm y tế tuyến huyện để vừa khám bệnh, chữa bệnh, vừa học tập để nâng cao năng lực và đưa bác sĩ tuyến huyện đến với tuyến xã. Bộ Y tế đã thiết lập hệ thống về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, trong đó tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, đặc biệt là đối với tuyến xã. Ngoài ra cũng tổ chức lại đối với y tế tuyến xã hình thành theo hình thức theo nguyên lý y học gia đình, trong đó hình thành những nhóm bác sĩ y học gia đình, tức là bao gồm kể cả các bác sĩ trong công lập, các trạm y tế và các bác sĩ ở hệ thống tư nhân để làm sao quản lý, chăm sóc được người bệnh.

Về đổi mới cơ chế tài chính, việc đổi mới theo phương thức theo các gói dịch vụ y tế cơ bản, theo đặt hàng giao nhiệm vụ, theo phương thức chi trả thì Bộ trưởng hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới đây. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư đối với hoạt động y tế, nhất là đối với trạm y tế. Theo quy định, khoảng mỗi một trạm y tế được cấp 10 triệu cho đến 20 triệu/năm, có địa phương quan tâm thì cấp được khoảng 40 triệu, có địa phương quan tâm cấp được nhiều hơn nhưng có địa phương không cấp đủ được 10 triệu cho một năm, bao gồm tất cả những hoạt động điện, tiền nước, tiền xử lý chất thải cho đến những vấn đề về phô tô giấy tờ,… Vì vậy, hoạt động của trạm y tế ở một số nơi còn khó khăn, đề nghị các địa phương quan tâm tới hoạt động này để trạm y tế xã là nền tảng cơ bản cho vấn đề quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo mỗi người dân được chăm sóc sức khỏe một cách phù hợp trong suốt cuộc đời của mình...

Minh Trang