Chuyển đổi số ngành thư viện - xu hướng tất yếu

Nâng cao năng lực hoạt động hệ thống thư viện

- Chủ Nhật, 07/11/2021, 06:29 - Chia sẻ
“Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2021. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tạo đà nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu người đọc.

Phục vụ người đọc mọi lúc, mọi nơi

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều thư viện đã thay đổi cách thức tổ chức, hoạt động thư viện theo hướng linh hoạt hơn, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu người đọc. Hiện nay chỉ mất khoảng 5 phút đăng nhập vào website một thư viện số, người đọc đã có thể tìm kiếm được những cuốn sách, bài báo, tư liệu cần thiết phục vụ quá trình nghiên cứu, học tập. Công việc này nếu thực hiện trước đó phải mất 30 phút, chưa tính thời gian di chuyển đến thư viện, viết phiếu yêu cầu, chờ nhân viên thư viện lấy sách báo, tài liệu từ kho lưu trữ… Đây chỉ là một ví dụ thể hiện tính ưu việt của chuyển đổi số thư viện, đưa đến tác dụng chia sẻ tài liệu nhanh, gọn; phục vụ nhu cầu người đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào, với điều kiện có kết nối internet.

		Phòng đọc doanh nhân, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - Nguồn: baovinhlong.com.vn
Phòng đọc doanh nhân, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: baovinhlong.com.vn

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho biết, không chờ đến khi Chương trình được phê duyệt, hệ thống thư viện nước ta mới chú ý đến chuyển đổi số. Hơn 20 năm trước, từ khi internet chưa xuất hiện ở Việt Nam, một số thư viện lớn như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh... đã tiên phong thực hiện số hóa tài liệu quý hiếm. Hoạt động dịch vụ thư viện đi từ xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục đơn lẻ, phục vụ tra cứu là chủ yếu, đến triển khai trên các phần mềm quản trị thư viện tích hợp. Thời gian gần đây, số hóa tài liệu trở thành một hoạt động nghiệp vụ thư viện phổ biến, song đây có lẽ là công việc dài hơi, tùy thuộc vào kinh phí đầu tư trang thiết bị và đào tạo nhân lực ở từng đơn vị.

Dù triển khai chuyển đổi số ở thời điểm nào, không thể phủ nhận thư viện là thiết chế cung cấp thông tin và tri thức phục vụ cho con người nghiên cứu, học tập và giải trí. Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà, chuyển đổi số là con đường tất yếu để xây dựng thư viện phát triển nhanh và bền vững hơn. “Nhờ triển khai chuyển đổi số, thư viện có thể cung cấp cho bạn đọc tài liệu và giới thiệu về tài liệu, sách báo, thông tin và tri thức qua không gian mạng, qua các thiết bị điện tử, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Bạn đọc nhờ thế có thể tiếp cận và sử dụng sách báo mọi nơi, mọi lúc với các định dạng mà mình yêu thích. Qua đó, các thư viện sẽ góp phần đắc lực trong phát triển văn hóa đọc, hỗ trợ mọi người học tập suốt đời trong kỷ nguyên số một cách hiệu quả”.

Định hướng đúng đắn

Số hóa tài liệu chỉ là một phần trong chuyển đổi số ngành thư viện. Còn nhiều vấn đề quan trọng khác như: Sử dụng chung phần mềm quản lý thư viện, xây dựng trang web tích hợp, chia sẻ và liên thông dữ liệu các thư viện, kết nối với các chương trình dữ liệu mở... Chính vì khối lượng công việc lớn, phức tạp nên trong Chương trình đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 tập trung chuyển đổi số ở thư viện có vai trò quan trọng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và phần lớn thư viện thuộc các trường đại học, cao đẳng. Việc tập trung vào một số loại hình thư viện được xem là định hướng đúng đắn vì chuyển đổi số thư viện cần nguồn kinh phí không nhỏ; không thể đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả trong khi ngân sách có hạn, khả năng kêu gọi xã hội hóa được dự báo gặp nhiều khó khăn.

Trong Chương trình đã nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện chuyển đổi số thư viện. Vai trò chủ trì, là đầu mối của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan trọng vì trên thực tế, việc số hóa, chia sẻ tài liệu nhiều năm qua của các thư viện chưa hiệu quả, còn chồng chéo, gây lãng phí thời gian, nguồn lực.

Kinh nghiệm tại nhiều nước cho thấy, việc số hóa tài liệu được giao cho một đầu mối. Đầu mối này sẽ nhận kinh phí trực tiếp từ Nhà nước, các cá nhân và tổ chức khác nhau, nhờ đó hoạt động điều phối giữa các thư viện không bị chồng chéo, bởi các thư viện thường có nguồn tài liệu lưu trữ giống nhau. Ngoài ra, quy vào một đầu mối sẽ quy chuẩn được các tiêu chí số hóa tài liệu (độ phân giải ảnh chụp tài liệu, cách làm biên mục...), để đến khi cần chia sẻ tài liệu với thư viện các nước không mất thời gian xử lý lại.

Đức Trọng