Vĩnh Long:

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

- Thứ Ba, 17/08/2021, 18:09 - Chia sẻ
Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đặt ra rủi ro, thách thức kép đối với tỉnh Vĩnh Long. Trước thực trạng đó, Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Lưu Nhuận, đến nay ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp đã được kiện toàn, đáp ứng tốt công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngay trong mùa mưa bão 2021.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai là  là lực lượng nòng cốt được huy động kịp thời, nhanh chóng ứng cứu khi thiên tai xảy ra.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là là lực lượng nòng cốt được huy động kịp thời khi thiên tai xảy ra.

Nâng cao năng lực đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt đã ký công văn chỉ đạo về việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện chủ trương về tổ chức, nhiệm vụ và chế độ chính sách cũng như tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng các chương trình tập huấn cụ thể phù hợp với điều kiện tại địa phương nhằm sớm phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai ngay trong mùa mưa bão năm 2021.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về việc không tổ chức diễn tập PCTT-TKCN cấp xã, phường, thị trấn nhưng hàng năm chọn 1- 2 xã lồng ghép vào nội dung diễn tập PCTT- TKCN cấp huyện. Các xã, phường, thị trấn còn lại tổ chức tham quan, rút kinh nghiệm. Công tác diễn tập PCTT-TKCN cấp xã, phường, thị trấn được chuyển sang huấn luyện cho đội xung kích phòng, chống thiên tai cùng cấp nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho lực lượng này.

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Lưu Nhuận, đến nay ban chỉ huy PCTT- TKCN các cấp đã được kiện toàn, đáp ứng tốt công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Hiện ban chỉ huy cấp tỉnh có 38 thành viên, cấp huyện có khoảng 200 thành viên và tất cả các thành viên điều được phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn cụ thể, đảm bảo triển khai các phương án ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Hiện nay, toàn tỉnh có 107 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với 8.415 thành viên, trong đó có 107 đội trưởng và 239 đội phó. Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này được huy động kịp thời, nhanh chóng có mặt ngay từ giờ đầu để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, di dời dân đến nơi an toàn, dọn dẹp cây cối đổ ngã, nhà cửa hư hỏng…, ông Nhuận nhấn mạnh.

Xây dựng kế hoạch và vận hành thử kế hoạch 

Theo chuyên gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNICEF Việt Nam) Lý Phát Việt Linh, sẽ là rủi ro, thách thức kép khi thiên tai xảy ra tại địa phương đang giãn cách xã hội. Do đó, cần phải lưu ý công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và chuẩn bị ứng phó kịp thời, phát huy tối đa “4 tại chỗ, 5K và chiến lược vắc xin”. 

Bên cạnh đó, bà Linh đề xuất, địa phương cần lưu ý xây dựng các kịch bản phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid- 19 để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Địa phương cần có kế hoạch chi tiết về việc di dời như nhân sự, trang thiết bị, vật tư hàng hóa thiết yếu bao gồm trang thiết bị y tế, hậu cần… Sau đó nên vận hành thử kế hoạch. Xác định địa điểm di dời, những địa điểm di dời dân trước đây có thể không còn phù hợp trong bối cảnh dịch Covid- 19 và cần nghiên cứu có phương án điều chỉnh. Địa điểm cần rộng, thoáng, dễ tiếp cận như trường học, trạm y tế, sân thi đấu trong nhà, trụ sở hành chính…

Bên cạnh đó, phải có kế hoạch truyền thông về rủi ro kép cho người dân cũng như nâng cao nhận thức về những thách thức kép đối với hệ thống phòng, chống thiên tai, hành chính công, doanh nghiệp… Vấn đề đảm bảo an toàn phòng dịch cần được đảm bảo duy trì xuyên suốt trước, trong và giai đoạn phục hồi sau thiên tai. Trong giai đoạn phục hồi, áp dụng các giải pháp phục hồi sau thiên tai đảm bảo “5K”, trong đó đặc biệt lưu ý khử khuẩn, vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch, vấn đề truy vết để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch.

Theo Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long, với kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai được duyệt, khi có thiên tai xảy ra Ban Chỉ huy PCTT- TKCN các cấp thực hiện việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” với lực lượng phòng, chống, ứng phó thiên tai toàn tỉnh có 11.386 người. Trong đó, lực lượng ban chỉ huy các cấp, các ngành là 579 người, quân sự 3.038 người, công an 1.345 người và các lực lượng khác là 4.202 người. 9.082 phương tiện, trang thiết bị các loại.

Nhu yếu phẩm dự trữ tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại địa phương gồm 3.354 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác như mì tôm, nước uống đóng chai, viên lọc nước. Riêng mặt hàng xăng, dầu được dự trữ và cung ứng theo hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.

Tính đến hết tháng 6.2021, toàn tỉnh Vĩnh Long có 56 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã này cơ bản đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ của tiêu chí thủy lợi, với tổ chức bộ máy thực hiện phòng, chống thiên tai được thành lập, kiện toàn và nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai tại địa phương.

Thảo Anh