Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường ngành thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam

- Thứ Năm, 22/10/2020, 22:02 - Chia sẻ
Ngày 22.10, tại làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nam tổ chức hội thảo “Đổi mới, sáng tạo năng lực tiếp cận thị trường ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam”.
Các đại biểu tham quan xưởng dệt lụa của gia đình ông Trần Trọng Đại, thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, Hà Nam

Đây là hội thảo nằm trong chương trình khuyến công quốc gia năm 2020, để trang bị cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ những tư duy và nhận thức đúng về chiến lược đối mới, sáng tạo để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển thương hiệu làng nghề, những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có bước phát triển đáng khích lệ. Hiện, cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đều phải thông qua các doanh nghiệp trung gian, qua các sản phẩm thô hoặc gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Sản phẩm làng nghề ngày càng bị mai một hoặc không giữ được thương hiệu vốn có…

Theo ông Nguyễn Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, khu vực làng nghề không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế, là nơi thu hút nhiều lao động mà sự tồn tại và phát triển của làng nghề còn khẳng định giá trị văn hóa - nhân văn từ sản phẩm làng nghề. Song, có thể thấy nghịch lý khá rõ là giữa tiềm năng lớn của khu vực làng nghề với năng lực hoạt động tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ nhân đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, thực trạng sản xuất, tiêu thụ và năng lực tiếp cận thị trường hiện nay của ngành thủ công mỹ nghệ, nhất là đối với sản phẩm dệt lụa, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan… Từ đó, hướng tới xây dựng khung năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp để phù hợp với thực tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp, làng nghề cần quan tâm khắc phục những hạn chế đang tồn tại của sản phẩm thủ công mỹ nghệ như chậm cải tiến mẫu mã, công nghệ; các lô hàng sản xuất đồng loạt chưa đồng đều; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, làng nghề trong việc sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đòi hỏi độ thẩm mỹ cao và số lượng hàng lớn… Do đó, cần chú trọng xây dựng hình ảnh làng nghề; phát triển thương hiệu làng nghề, thương hiệu doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động; tổ chức kiện toàn bộ máy sản xuất; tìm kiếm thị trường xuất khẩu; cải tiến mẫu mã, sản xuất những sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp; tăng cường sự liên kết trong phát triển du lịch làng nghề…

Thành Nam