Nâng cao nhận thức người dân về cây trồng biến đổi gene

- Thứ Bảy, 06/12/2014, 09:00 - Chia sẻ
Cây trồng biến đổi gene (BĐG) là một thành tựu khoa học tiến bộ của thế giới đã được nghiên cứu, ứng dụng từ 20 năm nay và được nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, đây vẫn là khái niệm mới, hầu hết bà con nông dân vẫn chưa nắm rõ về đặc điểm cây trồng BĐG, tính an toàn và tác động của loại cây trồng này trong sản xuất nông nghiệp.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gene tại Việt Nam vừa được tổ chức sáng 3.12.

Cây trồng BĐG (Genetically Modified Crop - GMC) là loại cây trồng được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền, công nghệ gene hay công nghệ DNA tái tổ hợp, để chuyển một hoặc một số gene chọn lọc nhằm tạo ra cây trồng mang tính trạng mong muốn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, chính cách gọi về cây trồng BĐG đã dẫn tới những hiểu lầm. Theo Gs Nguyễn Lân Dũng, cây trồng BĐG thực chất là việc lựa chọn BĐG một cách chủ động, với những gene mong muốn chứ không phải tạo ra sự biến dị với những đặc điểm không mong muốn. Vì thế, không giống như tác động gây đột biến của các tia phóng xạ và không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Trên thực tế, trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện BĐG nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên thường rất chậm, diễn ra trong hàng trăm, hàng nghìn năm hoặc lâu hơn nữa. Còn BĐG trong khoa học chỉ hoàn thành trong vài năm do sự tác động của con người nhằm mang tới lợi ích nhất định. Hiện nay các nhà khoa học đề nghị gọi cây trồng BĐG là cây trồng công nghệ sinh học để tránh nhầm lẫn.

Cây trồng BĐG có vai trò trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động, thế nhưng, trong giới khoa học vẫn luôn có trường phái chứng minh công trình này có những tác hại, rủi ro và nguy cơ. PGs. Ts Nông Văn Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ gene, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, hiện đã có 500 nhóm nghiên cứu độc lập về độ an toàn sinh học của cây trồng BĐG, 610 bài báo đã được công bố nhưng vẫn không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cây trồng BĐG gây rủi ro cao đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người, vật nuôi.

Mặc dù cũng có những nhóm phản đối cây trồng BĐG nhưng châu Âu vẫn công nhận và đưa cây trồng BĐG vào sử dụng từ những năm đầu tiên, sau năm 1996. Chỉ có điều, các nước này có quy định đối với việc thực phẩm BĐG phải ghi nhãn nhằm bảo đảm quyền của người tiêu dùng. Ở Việt Nam, cây trồng BĐG cũng được kiểm soát chặt chẽ nhằm loại bỏ gene không phù hợp, chọn lọc những gene thích hợp để đưa vào và được nghiên cứu, khảo nghiệm với những hành lang pháp lý chặt chẽ, an toàn. Vừa qua, Bộ NN và PTNT đã ra Quyết định về việc công nhận sự kiện ngô BĐG đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam; Bộ TN - MT cũng có Quyết định phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các sự kiện ngô BĐG.

Dương Cầm