Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ hậu Covid-19

- Thứ Hai, 27/09/2021, 18:48 - Chia sẻ
Đây là một trong những nội dung chính của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 vừa diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự chủ trì của bà Jan Tinetti, Bộ trưởng Bộ Phụ nữ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ New Zealand. Diễn đàn đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết thúc đẩy Tầm nhìn Pu-tra-giai-a đến năm 2040 của APEC; cam kết về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, hùng mạnh và hòa bình vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu.
Ảnh: Tống Giáp

Tham dự Diễn đàn có các Bộ trưởng/Trưởng đoàn và các quan chức cao cấp của 20 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương và nhiều khách mời cấp cao khác. Đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Trên cơ sở chủ đề xuyên suốt của năm APEC 2021 là “Cùng phối hợp, cùng hành động, cùng tăng trưởng”, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2021 tập trung thảo luận về những nỗ lực ứng phó trước đại dịch Covid-19 và những thay đổi cần thiết để tăng cường sự tham gia và phục hồi của phụ nữ trong nền kinh tế chính thức. Tại phiên Đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn, các các Bộ trưởng/Trưởng đoàn của 20 nền kinh tế APEC đã phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ giai đoạn hậu Covid-19.

Đoàn Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội
 Ảnh: Tống Giáp

Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ về các chính sách mới, nổi bật của Chính phủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với nhiều đột phá về cả nhóm đối tượng và quy trình thực hiện. Trong đó, trẻ em và người lao động đang mang thai, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ ở mức cao hơn với các thủ tục đơn giản, thực hiện hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, chính sách ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cũng được mở rộng cho đối tượng phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đang cho con bú. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được tăng cường đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu những bất bình đẳng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn cam kết và ưu tiên thực hiện bình đẳng giới thông qua việc ban hành và triển khai các chiến lược, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới đến năm 2030 và những nỗ lực đóng góp thực hiện mục tiêu mà APEC đề ra trong Lộ trình La Sê-rê-na về Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm. Kết quả này mang tới niềm tin lạc quan rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách và lãnh đạo, quản lý xã hội trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Đại biểu các điểm cầu thông qua Tuyên bố chung
Ảnh: Tống Giáo

Việt Nam đánh giá cao vai trò, sức mạnh của tinh thần đoàn kết đa phương mà APEC là một minh chứng cụ thể. Thứ trưởng đề nghị và mong muốn các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với phụ nữ là bảo đảm sức khỏe, tạo việc làm và nguồn thu nhập bền vững, tăng cường nguồn lực cho các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và các doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ cao nhằm phục hồi sau Covid-19, chia sẻ vaccine công bằng, đặc biệt đảm bảo tiếp cận vaccine của phụ nữ. Các ý kiến phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà được Diễn đàn hoan nghênh, ghi nhận và phản ánh trong Tuyên bố chung của Diễn đàn.

Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố chung thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của cả khu vực trong việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các cam kết được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đặc biệt nhấn mạnh là việc nỗ lực thúc đẩy Tầm nhìn Pu-tra-giai-a đến năm 2040 của APEC và cam kết của các Nhà Lãnh đạo APEC về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, hùng mạnh và hòa bình vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; cam kết thực hiện đầy đủ và nhanh chóng Lộ trình La Sê-rê-na về Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm (giai đoạn 2019 – 2030) và đặc biệt là thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ với các hành động cụ thể như: thu hẹp khoảng cách tiền công theo giới và phân biệt nghề nghiệp; thúc đẩy cân bằng công việc – cuộc sống và chia sẻ bình đẳng việc nhà không được trả lương cũng như trách nhiệm chăm sóc; thúc đẩy tiếp cận việc làm không bị phân biệt đối xử, có chất lượng cao và bền vững; xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới dưới mọi hình thức tại nơi làm việc; bảo đảm tiếp cận thông tin và dịch vụ y tế; thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức; hỗ trợ khả năng kinh doanh của phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo; thúc đẩy việc tiếp cận các lựa chọn về di chuyển và giao thông an toàn, hợp lý.

Tuyên bố của Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC vào cuối năm 2021.

Cũng tại Diễn đàn, Trưởng đoàn Thái Lan đã trình bày kế hoạch tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2022. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm để có thể trực tiếp gặp gỡ tại Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm sau và chia sẻ về kết quả thực hiện các cam kết đã đề ra.

Đức Kiên