Nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học

- Thứ Bảy, 01/06/2013, 08:41 - Chia sẻ
“Bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) không chỉ gói gọn ở việc hoàn thiện các quy định của pháp luật mà phải đi đôi với vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân thông qua các hoạt động nhân rộng nhiều mô hình, tuyên truyền và gửi thông điệp tới cộng đồng” – Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại buổi Tọa đàm về Các sáng kiến mới trong bảo tồn ĐDSH.

Nguồn: ITN

Ghi nhận vai trò của cộng đồng

Không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực thi pháp luật về bảo tồn ĐDSH cũng như trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhằm đưa ra những giải pháp, sáng kiến quan trọng song nếu thiếu đi vai trò của cộng đồng dân cư thì bảo tồn ĐDSH khó đạt hiệu quả. Thực tế cho thấy, kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng bởi lẽ rừng có nhiều cửa, không có rào chắn nên việc ngăn chặn hành vi vi phạm không hề dễ dàng. Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tại các khu bảo tồn quốc gia, mỗi kiểm lâm sẽ có trách nhiệm bảo vệ tương đương với 500ha rừng. Rõ ràng, việc một cán bộ kiểm lâm quán xuyến hết một diện tích lớn như vậy thực sự là thách thức đối với họ.

Theo Ts Phạm Quốc Hùng - Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN và PTNT, hiện có khoảng 12 ngàn cán bộ kiểm lâm trong khi đó nước ta có tới 13,5 triệu hécta rừng. Nếu không có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng thì với lực lượng như vậy sẽ không thể bảo vệ nổi rừng.

Hơn nữa, tất cả những khu vực có giá trị ĐDSH cao bao gồm các khu vực rừng nguyên sinh đều có dân cư sinh sống. “Người dân nhờ có ĐDSH mà tồn tại và phát triển, do đó việc cộng đồng dân cư tham gia trực tiếp vào quản lý, kiểm tra bảo vệ rừng sẽ góp phần quan trọng phát hiện những hành vi vi phạm như khai thác gỗ lậu hay buôn bán trái phép động vật hoang dã” - Phó giám đốc Trung tâm Thiên nhiên và Con người Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Điều đó đòi hỏi phải gắn kết công tác bảo tồn với sinh kế của người dân để việc bảo tồn ĐDSH đạt hiệu quả và người dân vẫn duy trì được cuộc sống của mình. Trên thực tế, nỗ lực bảo tồn ĐDSH ở nước ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực với những sáng kiến, mô hình dựa vào cộng đồng. Thậm chí có những mô hình được duy trì nhiều năm đơn cử như việc quản lý rừng thiêng của đồng bào dân tộc miền núi hay mô hình quản lý rừng ngập mặn của cộng đồng ven biển, sáng kiến xây dựng mô hình cộng đồng tham gia khu bảo tồn. Điều đáng nói là có những địa phương người dân tự đứng ra tổ chức mô hình thôn xóm bảo vệ rừng đơn cử như Khu bảo tồn ở Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Còn nhiều thách thức

Bước đầu thuận lợi không có nghĩa là thiếu đi những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng. Cái khó nhất hiện nay là phải làm sao khuyến khích, huy động được người dân tham gia tích cực để họ thấy được những lợi ích thực sự từ hoạt động thiết thực đó. Một chuyên gia môi trường chia sẻ, Chính phủ mới bắt đầu đi vào thử nghiệm chia sẻ lợi ích trong hoạt động quản lý bền vững các khu đặc dụng, các khu bảo tồn do đó việc huy động và bảo đảm sự tham gia rộng rãi của cộng đồng là không hề dễ dàng.

Khi nghiên cứu về tình hình khai thác gỗ lậu ở địa phương nhiều chuyên gia cho biết, mặc dù nhiều nơi có thiết chế tương đồng nhau nhưng có địa phương bảo tồn rất tốt lại có nơi công tác này không đạt hiệu quả. Đâu là căn nguyên dẫn tới hiện tượng đó?

Theo chuyên gia phân tích chính sách quản lý tài nguyên Tô Xuân Phúc, lợi ích cộng đồng đã được hô hào từ rất lâu song nếu không chỉ ra được quyền lợi của họ thì việc huy động sức dân trong công tác bảo tồn thực sự là thách thức lớn. Điều đáng nói là cho tới nay vẫn còn nhiều người nhầm lẫn giữa trách nhiệm và quyền của người dân khi tham gia bảo vệ rừng cũng như bảo tồn ĐDSH. Vấn đề cốt lõi là những nhà quản lý cần có cách nhìn thoáng hơn, trao cho cộng đồng nhiều quyền hơn là quy trách nhiệm cần phải làm.

Bên cạnh đó, việc làm rõ khái niệm cộng đồng cũng rất cần thiết bởi tùy từng nơi, sự gắn kết cộng đồng lại khác nhau. Đơn cử như tại Tây Nguyên, chất gắn kết chặt chẽ trong họ dễ tạo ra tiếng nói chung cũng như sự đồng thuận trong mọi hoạt động. Khi đó, công tác bảo tồn ĐDSH sẽ dễ dàng hơn bởi nó bảo đảm được lợi ích công bằng của người dân nơi đây. Trong khi đó, ở những nơi có sự di cư hay thay đổi nhân học lớn sẽ dẫn tới những pha tạp trong cách hiểu, cách sống của cộng đồng và lợi ích của họ cũng vì thế mà khác nhau. “Đó là cái khó mà những dự án bảo tồn ĐDSH dựa vào cộng đồng đang phải đối diện” – Ts Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.

Rõ ràng, muốn quan tâm tới cộng đồng cũng như giáo dục được ý thức bảo tồn ĐDSH, cần phải xác định cụ thể và phân loại từng nhóm riêng biệt để từ đó đưa ra cơ chế chính sách huy động phù hợp bảo đảm cho công tác bảo tồn ĐDSH đạt hiệu quả cao.

Thu Trang