Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông

- Thứ Tư, 08/12/2021, 06:36 - Chia sẻ
Để duy trì giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, thời gian qua cùng với việc tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tỉnh Long An cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Đây cũng được xem là giải pháp chủ yếu, quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho người dân, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trong các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông Nguồn: ITN
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông
Nguồn: ITN

Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, Công an tỉnh Long An đã phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện 9 chuyên mục an toàn giao thông, thực hiện 22 chương trình phát thanh Khởi hành; phối hợp Báo Long An thực hiện 9 chuyên trang an toàn giao thông; tổ chức tuyên truyền miệng tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư được 13 cuộc, có gần 9.000 người dự nghe...

Tại huyện Vĩnh Hưng, từ đầu năm đến nay, Công an huyện tổ chức được 2 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ, các văn bản pháp luật về an toàn giao thông, có 850 lượt người dân và học sinh dự nghe; tổ chức chiếu băng, đĩa hình tuyên truyền tại nơi tiếp dân của Công an huyện được 48 lượt, có 1.440 lượt người xem; phát 30 kỳ tin, bài về tình hình trật tự, an toàn giao thông, Nghị định 100/2019/NĐ-CP... Đồng thời, vận dụng các hình thức tuyên truyền trực quan bằng panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, duy trì thực hiện mô hình bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường học, đoạn đường an toàn giao thông...

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát đường thủy thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã lồng ghép tuyên truyền cho hơn 20.000 lượt thuyền viên, chủ phương tiện, người tham gia giao thông thực hiện quy định an toàn bến khách ngang sông, quy tắc giao thông đường thủy nội địa, gắn với tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Xác định rõ việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, các tổ chức đoàn thể như Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh cũng thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho đoàn viên, hội viên và người dân bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động.

Duy trì giảm thiểu tai nạn giao thông

Qua tuần tra, kiểm soát, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Long An đã lập biên bản 25.515 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ hơn 6.800 phương tiện các loại, ra quyết định xử phạt 24.768 trường hợp, tước giấy phép lái xe 2.784 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, chở quá tải, vi phạm nồng độ cồn... Lực lượng cảnh sát đường thủy tổ chức 599 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện lập biên bản 1.029 trường hợp vi phạm...

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Long An, nhờ việc tích cực tuần tra, kiểm soát, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, so với năm 2020, 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 80/120 vụ, 47/74 người chết, 46/75 người bị thương.

Trong những tháng cuối năm, để duy trì giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên cơ sở phân tích nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tai nạn, gây mất trật tự, an toàn giao thông để kết hợp thông tin, cảnh báo; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình tự quản về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhất là các hành vi liên quan đến ma túy, nồng độ cồn...

Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến, địa bàn phụ trách. Phối hợp các ngành chức năng tiếp tục khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường bộ, đường thủy nội địa. Rà soát, bổ sung các phương án phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, phòng ngừa không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, phức tạp.

Vân Phi