Nâng chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong

- Thứ Hai, 29/11/2021, 06:00 - Chia sẻ
Bộ Y tế đang chuẩn bị một số phương án về thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 như Favipiravir, Avigan và đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng... Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bên lề Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19.
Thử nghiệm nhiều thuốc mới điều trị Covid-19
Nguồn: ITN

Bảo đảm tính hiệu quả trong điều trị

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, trong đợt dịch thứ 4, công tác hướng dẫn, điều trị Covid-19 đã có nhiều thay đổi; Việt Nam cũng thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc, nhiều biện pháp điều trị Covid-19… Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị Covid-19 với rất nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp, đồng thời, đưa nhiều thuốc mới vào điều trị. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, ngành y tế đã xây dựng gói thuốc A - gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khỏe; đưa thuốc kháng viêm - kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp và áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng. 

Đối với thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thí điểm quản lý chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà, cộng đồng, với gần 250.000 liều được sử dụng. Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng 5 ngày là từ 72% - 93%; giảm tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị ngay từ đầu. 

Là đơn vị đầu tiên phụ trách Chương trình thí điểm điều trị sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir ở phía Nam, đại diện Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh cho biết, Bệnh viện đã tiến hành thử nghiệm có pha 2 và pha 3 thuốc kháng virus Molnupiravir cho đối tượng là người mắc Covid-19 ở thể nhẹ, trung bình không có triệu chứng. Giai đoạn 1 (pha 2), chương trình được Bệnh viện Thống Nhất thử nghiệm ở Bệnh viện dã chiến số 8; thuốc sử dụng 5 ngày, bệnh nhân liên tục được xét nghiệm PCR nhằm đánh giá mức độ tải lượng virus trong cơ thể; kết quả tải lượng virus giảm nhiều. Giai đoạn 2 (pha 3), chương trình được tiến hành ở Bệnh viện dã chiến số 4, dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Cả 2 giai đoạn nghiên cứu được báo cáo sau 14 ngày (giữa kỳ) và 28 ngày (cuối kỳ). Sau đó, bệnh nhân được theo dõi tiếp tục sức khỏe thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Giám đốc Bệnh viện Thống nhất PGS.TS Lê Đình Thanh, sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir cũng có tác dụng phụ, triệu chứng giống như bệnh cảm cúm thông thường, biểu hiện ở mức độ 1 và 2 (mức độ nhẹ), người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, đau nhức cơ thể…; tác dụng phụ ở mức độ 3 và 4 (mức độ nặng) chưa ghi nhận ca nào. Qua thời gian thí điểm trên diện rộng, đặc biệt vào giai đoạn đỉnh dịch của TP. Hồ Chí Minh, thuốc có hiệu quả khá tốt. Thuốc Molnupiravir không chỉ chữa bệnh, mà nồng độ virus trong cơ thể khi uống thuốc giảm xuống nhanh, từ đó giảm khả năng lây nhiễm và giảm quá tải cho tuyến trên. 

Hiện nay, thuốc phát cho F0 điều trị tại nhà gồm có 3 gói. Gói thuốc A gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, vitamin; dùng trong 7 ngày. Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Gói thuốc C bao gồm Molnupiravir dùng điều trị cho bệnh nhân F0 có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%; đủ dùng trong 5 ngày.

Thử nghiệm lâm sàng nhiều loại thuốc

Cùng với việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng; Việt Nam còn sử dụng thuốc Favipiravir cho bệnh nhân nhẹ, có thể ngăn quá trình nhân lên của virus và loại bỏ virus khỏi đường thở. Bộ Y tế cho biết, thuốc có thể ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện.

Mới đây, 1 triệu liều thuốc kháng virus Avigan chuyên điều trị Covid-19 được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam; lô thuốc này được phân bổ cho các địa phương để điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ. TP. Hồ Chí Minh cũng vừa tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin do Nga tặng, hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19; Cytoflavin được Bộ Y tế Nga đưa vào phác đồ điều trị các biến chứng về tim mạch và não của bệnh nhân Covid-19 từ khi đại dịch bắt đầu, được đánh giá "có kết quả rất tốt". Bộ Y tế Việt Nam cấp phép và chỉ định Cytoflavin cho bệnh nhân đột quỵ cấp.

Được biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang tham gia chương trình RECOVERY (Anh) nghiên cứu về tác động của các liệu pháp điều trị Covid-19 đến tỷ lệ tử vong. Cụ thể, nghiên cứu về tác động của thuốc kháng viêm corticoid Dexamethasone trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Dexamethasone là một loại thuốc kháng viêm thường dùng điều trị bệnh dị ứng, bệnh miễn dịch, suyễn, da liễu, ung thư, hồi sức các bệnh nặng. Dexamethasone được đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam, giúp làm chậm và hạn chế cơn bão cytokine. 

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện tuyển chọn 250 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị để tham gia nghiên cứu; bảo đảm tiêu chí như đủ 18 tuổi, mắc Covid-19 có triệu chứng, phải nhập viện, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy máu) dưới 92% hoặc có tình trạng hạ oxy máu, không có tiền sử bệnh nền. Họ được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm với số lượng tương đương nhau, bao gồm, không dùng thêm thuốc, dùng liều tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; dùng thêm liều cao Dexamethasone (thuốc kháng viêm). Nhóm nghiên cứu sẽ so sánh theo cặp bệnh nhân ở 2 nhóm; 2 giai đoạn đánh giá là 28 ngày và 6 tháng. Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng triển khai các nghiên cứu về thuốc điều trị Covid-19, đánh giá Chloroquine (thuốc trị sốt rét). Kết quả, thuốc này không có tác dụng điều trị Covid-19, tương tự với nhiều nghiên cứu khác trên thế giới.

Minh Nhật