Năng lượng tái tạo - trụ cột của chuyển dịch năng lượng

- Thứ Ba, 20/04/2021, 23:06 - Chia sẻ
Các lợi ích của chuyển dịch sang năng lượng cần được tích hợp vào quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, cần thiếp lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước xây dựng lộ trình và tổ chức chuyển đổi sao cho công bằng. Đây là nhận định tại Diễn đàn "Năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam" do Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức ngày 20.4.

Tiềm năng nổi trội

Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn.

Toàn cảnh tọa đàm

Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn và nổi trội ở khu vực về điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, có thể phát triển ở các quy mô khác nhau, có thể kết hợp giữa năng lượng tái tạo với nông nghiệp để tạo ra nhiều đồng lợi ích. Ngoài ra, thủy điện là nguồn điều khiển tần số trong hệ thống điện có chi phí thấp cho Việt Nam. Pin tích năng và công nghệ sản xuất hydro là chìa khóa cho tương lai năng lượng sạch.

Các tính toán cho thấy, tăng cường tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy năng lượng tái tạo giúp giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Vào năm 2030, có thể giảm mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu từ 59% xuống 53% và 47% tương ứng. 

Tuy nhiên, bà Khanh chỉ rõ, việc chuyển dịch năng lượng thực tế còn nhiều khó khăn như lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển của nguồn năng lượng tái tạo. Chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo còn chưa đồng bộ vì ngắn hạn, thiếu ổn định, chưa rõ ràng. Quan trọng nhất vẫn là khó tiếp cận vốn rẻ và dài hạn.

Năng lượng tái tạo sẽ là trụ cột chuyển dịch năng lượng

Tận dụng nguồn lực quốc tế

Nhằm gỡ khó, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, sạch và bền vững, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam kiến nghị cần giám sát nghiêm mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng và tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, các lợi ích của chuyển dịch năng lượng cần được tích hợp vào quá trình xây dựng các chính sách có liên quan cho giai đoạn sau năm 2020. Bên cạnh đó, cần thiếp lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước thúc đẩy hợp tác liên ngành, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi sao cho công bằng. Về phía Chính phủ phải đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch. Chính sách phát triển cần quan tâm về cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai vừa bảo đảm sinh kế cho người dân. Đặc biệt cần khai thông thị trường ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng nhìn bức tranh tổng thể chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và cần sự đồng hành của Chính phủ. Trong thời gian tới, đầu tư cho tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 30%, còn 70% sẽ đến từ khu vực tư nhân và bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với vị thế của mình, Việt Nam sẽ tận dụng được nguồn tài chính khí hậu quốc tế.

Bà Trinh đưa ra dẫn chứng, tháng 3.2021 vừa qua, Bộ Công thương cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Hiệp định viện trợ không hoàn lại trị giá 11,3 triệu USD, kèm theo một khoản bảo lãnh trị giá 75 triệu USD với Ngân hàng Thế giới (WB) thay mặt cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) để hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thương mại đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ dành 8,3 triệu USD để xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân trong nhận diện, thẩm định và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.

Về phía Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) phát triển đề xuất Dự án hỗ trợ việc xây dựng các tòa nhà phát thải thấp và làm mát thông qua phương pháp tiếp cận đa ngành dự kiến tổng số vốn 105 triệu USD trong đó vốn viện trợ không hoàn lại từ Quỹ GCF là 5 triệu USD. Mục tiêu của đề xuất hỗ trợ thực hiện các mục tiêu Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để góp phần chuyển đổi ngành xây dựng theo hướng phát triển phát thải thấp. Khoản tài trợ không hoàn lại của GCF sử dụng để hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, thể chế và các hoạt động chuẩn bị dự án, bao gồm cả việc chuẩn bị khung pháp lý cho việc sử dụng khoản vay của GCF tại Việt Nam trong tương lai.

Hạnh Nhung