Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19:

Năng suất lao động đang như “lò xo bị nén”

- Thứ Ba, 09/11/2021, 12:46 - Chia sẻ
Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội song tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững sẽ rất khó khăn. Gợi mở giải pháp, các đại biểu cho rằng, nước ta có dư địa về năng suất lao động rất lớn và muốn tăng GDP thì tăng năng suất lao động là một thành tố rất tích cực. Hiện năng suất lao động của nước ta như “lò xo bị nén lại” và có thể “tung ra” nếu như tập trung vào nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.

Mục tiêu phát triển nhanh vẫn đang duy trì được

ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ)
Ảnh: Quang Khánh

Chủ trương xuyên suốt trong rất nhiều nhiệm kỳ vừa qua về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta là phát triển nhanh và bền vững. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, thời gian qua, nước ta đã duy trì được khá tốt mục tiêu phát triển nhanh khi giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,95%; giai đoạn 2016 - 2020 là 6% và Chính phủ cũng đang đặt ra mục tiêu năm 2022 là từ 6 - 6,5% và cho cả giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%. “Như vậy, mục tiêu tăng trưởng nhanh vẫn đang duy trì khá tốt. Việt Nam vẫn nằm trong top các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới”, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương), trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã gặp rất nhiều khó khăn thì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững lại càng khó khăn hơn nữa. Mục tiêu chiến lược năm 2030 đề ra là trở thành nước có thu nhập trung bình cao thì tốc độ bình quân hằng năm GDP sẽ phải đạt khoảng 6,5 - 7%. Nếu năm 2021 chỉ đạt khoảng 3,5% thì năm sau phải đạt 6,5% và những năm tiếp theo phải đạt 7 – 8% để bù đắp lại cho năm 2021.

Cùng chung nhận định này, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ở khía cạnh phát triển bền vững, nước ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, được thể hiện ở một số khía cạnh như thu ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu về dầu thô hay tài nguyên, xuất khẩu tuy ấn tượng nhưng chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài... 

Đột phá vào khoa học, công nghệ

Cũng theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, có 3 chỉ số quan trọng phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tiếp theo.

Trước hết là chỉ số về năng suất lao động xã hội bình quân, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 4,3%; 2016 – 2020 đạt 5,8% và đang đặt mục tiêu giai đoạn tiếp theo là 6,5%. Theo ông, mức tăng trưởng về chỉ số này phải đẩy nhanh hơn nữa. Bởi vì, so sánh với các nước xung quanh, theo số liệu thống kê năm 2020, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 7,6% của Singapore; bằng 19,5% của Malaysia, 37,9 % Thái Lan và 56,9% của Philippines.

Nguyên nhân khiến năng suất lao động nước ta thấp là do tình trạng thất nghiệp vẫn còn cao, bao gồm cả thất nghiệp hữu hình và trá hình; trình độ năng lực của lao động còn thấp; công nghệ lạc hậu; lĩnh vực sản xuất vẫn chủ yếu tập trung vào gia công và lắp ráp khiến giá trị gia tăng ở mức rất thấp... Do đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, cần phải có giải pháp để thúc đẩy hơn nữa chỉ tiêu tăng năng suất lao động bình quân hàng năm nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, nước ta có dư địa về năng suất lao động rất lớn và muốn tăng GDP thì tăng năng suất lao động là một thành tố rất tích cực. Hiện năng suất lao động của nước ta như “lò xo bị nén lại” và có thể “bung ra” nếu như tập trung vào nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ. 

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)
Ảnh: Quang Khánh

Đối với chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn ICOR. Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011 – 2015, hiệu quả sử dụng ICOR là 6,3; giai đoạn 2016 – 2019 là 6,1, tức để đạt được một đơn vị tăng trưởng phải bỏ ra hơn sáu đơn vị vốn đầu tư. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là hệ số khá cao cho thấy hiệu suất của nền kinh tế, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư là tương đối thấp. Nếu vẫn để những dự án kéo dài và đội vốn lớn như đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay là Bến Lức - Long Thành… thì sẽ rất khó để kéo chỉ số ICOR xuống.

Phân tích về nguyên nhân ICOR ở mức cao, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ là do phân bổ đầu tư chưa hợp lý, thiếu điểm rơi đối với những ngành, vùng động lực; cơ cấu vốn đầu tư không phù hợp, đầu tư công và đầu tư ngân sách nhà nước còn cao; quản lý đầu tư vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Do đó, Chính phủ cần phải tìm cách giảm hệ số ICOR. Về năng suất nhân tố tổng hợp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, phải tăng lên, trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phải có những chính sách đột phá cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

T. Thành