Chỉ nên áp dụng “3 tại chỗ” ở địa phương kiểm soát được dịch

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 18:39 - Chia sẻ
Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao. Do vậy, chỉ nên áp dụng mô hình tại địa phương kiểm soát được dịch.

Đây là kiến nghị khẩn cấp vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi Thủ tướng chiều 31.7.2021.

Mô hình "3 tại chỗ" chỉ nên thực hiện ở các địa phương kiểm soát được dịch. Ảnh Báo Người lao động
Mô hình "3 tại chỗ" chỉ nên thực hiện ở các địa phương kiểm soát được dịch.
Ảnh: Báo Người lao động

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt

Báo cáo của Ban IV cho biết: Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giao các bộ, địa phương ban hành các hướng dẫn, giải pháp để bảo đảm mục tiêu kép song quá trình triển khai một số nhóm giải pháp đã bộc lộ những bất cập, khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, đình trệ, đẩy hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực vào tình trạng đã hoặc sẽ phải đóng cửa; thậm chí nguy cơ mất thị trường vào tay các nước đối thủ.

Nhìn vào mô hình “3 tại chỗ”, Ban IV cho rằng đã xuất hiện sự đổ vỡ ở một số nhà máy xuất hiện ca F0 liên tiếp và tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và ngay cả Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên, nhưng lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên doanh nghiệp càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao. Hay tại tỉnh Tiền Giang, ngay khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ” thì chính quyền tỉnh lại ra thông báo tạm dừng hoạt động này kể từ ngày 5.8.2021 khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Nên xem xét để doanh nghiệp được tự mua dụng cụ xét nghiệm. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Nên xem xét để doanh nghiệp được tự mua dụng cụ xét nghiệm.
Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Xem xét để doanh nghiệp tự mua dụng cụ xét nghiệm

Từ thực tế hiện nay, Ban IV cho rằng Chính phủ cần tập trung tháo gỡ 3 vấn đề.

Thứ nhất, với mô hình “3 tại chỗ”, nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, cần quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và giám sát nghiêm túc để phát hiện, ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh. Đồng thời, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến trước, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh.

Đối với những tỉnh phía Nam đã xuất hiện F0 tại nhà máy “3 tại chỗ”, Bộ Y tế cần chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo và tìm giải pháp phù hợp.

Thứ hai, đối với việc bảo đảm các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu, Ban IV cho rằng, hiện văn bản chỉ đạo số 5187/VPCP-CN ngày 29.7.2021 của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tháo gỡ tình trạng mỗi nơi áp dụng quy định phòng, chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu còn liên quan tới hoạt động của nhiều bộ phận khác. Vì thế, Ban IV và các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các bộ ngành, địa phương rà soát, áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp... tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) hiện đã được tính toán các biện pháp quản lý, để vừa đi lại thực hiện công việc vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kỹ “quy trình vận tải an toàn - lái xe không tiếp xúc” do Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logisitcs Việt Nam, Hiệp hội Ô tô - Vận tải Việt Nam kiến nghị. Bởi lẽ, việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid-19 như là giấy thông hành hiện nay là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ ba, về việc thực hiện biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên xem bỏ quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ – TTg yêu cầu doanh nghiệp “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Bởi lẽ, theo pháp luật về thuế thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3 - 5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý.

Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo chiến dịch tiêm phòng vaccine. Riêng đối với cụm tỉnh phía Nam, hiện nguồn vaccine đang ưu tiên trực tiếp và nhiều nhất cho TP. Hồ Chí Minh, nhưng tình hình và diễn biến dịch tại Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh TP. Hồ Chí Minh đang có diễn biến giống nhau và đều là các khu công nghiệp trọng điểm. Do đó, Chính phủ, Bộ Y tế cần quan tâm, phân bổ nguồn vaccine cho các tỉnh này để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cần quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest - tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng, nhằm giúp doanh nghiệp và xã hội tiết kiệm chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ. Cách làm này cũng sẽ giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm, Ban IV đề xuất.

Vũ Thủy