Theo dòng sự kiện:

Nên bắt đầu từ giải tỏa nút thắt

- Thứ Ba, 02/11/2021, 15:01 - Chia sẻ
“Tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, của địa phương mình. Từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững”.

Lý giải cho đề nghị này khi phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến sáng qua, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nói rằng, vì nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như “ta xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được những điểm nghẽn”. Do đó, cơ cấu lại nền kinh tế nên bắt đầu từ việc xác định những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn. Những nút thắt này được khái quát từ những mâu thuẫn đang hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của Nhân dân. Cơ cấu lại nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó, phải giải quyết cho được những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.

Dẫn ví dụ cụ thể từ ngành điện, được ví như “máu” của nền kinh tế, của đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đại biểu Trần Hữu Hậu nhận thấy, “chúng ta đã và đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn của ngành này”, trong đó có mâu thuẫn đang góp phần kìm hãm sự phát triển của chính ngành điện và của đất nước. Thực tiễn cho thấy, chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước ta từ chỗ luôn lo lắng về thiếu điện bỗng dư điện mà điện ấy là điện sạch, điện từ gió, từ mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới, lại phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước, nhưng rồi lại phải tạm ngừng phát triển. Điện thì dư nhưng việc giảm giá lại hết sức khó khăn và chỉ khi thật sự khó khăn mới được giảm giá. Điện thì dư mà càng dùng nhiều, giá lại càng tăng, rất phi thị trường, đại biểu Trần Hữu Hậu thẳng thắn. 9 - 11h sáng là “khung giờ vàng” cho sản xuất, cũng là “khung giờ vàng” cho phát điện mặt trời, nhưng cũng là khung giờ cao điểm doanh nghiệp phải trả mức giá điện cao nhất… Những mâu thuẫn này do đâu? Và nút thắt nào đã khiến cho những mâu thuẫn được chỉ ra bao nhiêu năm nay mà bây giờ vẫn chưa sửa được? Theo chia sẻ của đại biểu Trần Hữu Hậu, kỳ vọng về hình thành và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh đã được đặt ra từ năm 2004 khi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Luật Điện lực. “Tiếc rằng, bây giờ đã là cuối năm 2021, nhưng chuyện có một thị trường điện thực sự có vẻ vẫn còn rất xa vời”.

Từ thực tiễn của ngành điện và của đất nước thời gian qua, đại biểu Trần Hữu Hậu tin tưởng, “nếu trong 5 năm tới, ngành điện xác định được những nút thắt của mình, Chính phủ kiên quyết chỉ đạo, cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia, ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn và ngành điện sẽ góp phần xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước”.

Cũng từ thực tiễn của ngành điện, nhìn rộng ra câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu cho rằng, “nếu các ngành, địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ được nút thắt, tạo ra những thay đổi mang tính đột phá. Đó là một trong những phương thức để có thể cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.

Cũng là tồn tại không mới, được phản ánh rất nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội, thậm chí “năm nào cũng được nghe Chính phủ báo cáo”, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nhận thấy, trong những tồn tại, hạn chế được chỉ ra có một hạn chế rất cần quan tâm xử lý dứt điểm, đó là việc chậm thực hiện tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Lần này, Chính phủ đánh giá chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạt 30% kế hoạch. Nguyên nhân của hạn chế này nêu tại Báo cáo của Chính phủ là do các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại trong giai đoạn này hầu hết đều là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai. Về nguyên nhân chủ quan là do vướng mắc về thể chế chậm được hoàn thiện, bổ sung, công tác lập kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa sát với thực tế, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện nghiêm túc. Với những nguyên nhân được Chính phủ nêu trên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương thấy “chưa thật sự thỏa đáng”... Để giải quyết dứt điểm trong giai đoạn tới, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị: Quốc hội cần quy định trong Nghị quyết giao nhiệm vụ và thời hạn xử lý, giải quyết dứt điểm về hạn chế này.

Đó mới chỉ là hai ý kiến, hai nút thắt, còn trong nền kinh tế hiện còn biết bao nhiêu nút thắt nữa cần mổ xẻ, phân tích, giải quyết. Trong đó, nút thắt về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, tâm lý ngại làm, ngại sai, đùn đẩy công việc, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương, thủ tục hành chính… vốn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, năm này qua năm khác, nhưng chuyển biến rất chậm.

Giải trình trước Quốc hội về các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trình Quốc hội tại Kỳ họp này không phải là một vấn đề mới, mà đã được thực hiện hơn 10 năm nay. Vấn đề bây giờ là cần đánh giá rõ “chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì và cần thiết phải làm tiếp trong giai đoạn tới là thế nào? Chúng ta phải cụ thể hóa để triển khai thực hiện tiếp tục trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới”.

Vậy thì, một trong những việc cần làm ngay trong giai đoạn tới, thiết nghĩ chính là cần tập trung tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn đã được chỉ ra qua nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục hoặc khắc phục chưa triệt để.

Muốn vậy, như chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là “tất cả các bộ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu, phải thấy được trách nhiệm của mình, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để quyết tâm thực hiện với một tư duy, tầm nhìn mới và phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống cát cứ, chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đó mới giải quyết được”.

Lam Giang