Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Nên có cơ quan độc lập đánh giá giải pháp công nghệ

- Thứ Ba, 25/01/2022, 06:15 - Chia sẻ
Theo các doanh nghiệp, hiện, việc xác định đâu là giải pháp công nghệ phù hợp không đơn giản, nhất là với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cần giải pháp phức tạp và tốn kém chi phí. Do đó, cần có cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan các giải pháp này, qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư.

Doanh nghiệp càng lớn càng khó thích ứng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cả nước hiện có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Vẫn còn nhiều rào cản trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Nguồn ITN

Tuy vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản. Kết quả khảo sát 1.300 doanh nghiệp do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong năm 2021 cho thấy, có đến 60,1% doanh nghiệp cho biết khó khăn gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Tiếp đến, 52,3% doanh nghiệp cho rằng khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến doanh nghiệp không đạt mục tiêu đề ra. Ngoài ra, khó khăn về thiếu nhân lực để ứng dụng công nghệ số; thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng như người lao động… cũng khiến việc chuyển đổi số còn hạn chế.

Xét theo quy mô doanh nghiệp, những rào cản trên có mức độ khác nhau. Chẳng hạn, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có tiềm lực tài chính hạn chế gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có tiềm lực tài chính tốt hơn thì rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp này có bộ máy, quy trình phức tạp hơn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì thế sẽ khó khăn hơn khi thích ứng với thay đổi.

Nghiên cứu, nhân rộng mô hình thành công

Trên thực tế, các doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Cục Phát triển doanh nghiệp nêu dẫn chứng, có tới 39,5% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhằm mục đích sử dụng các kiến thức chuyển đổi số để ứng dụng cho doanh nghiệp của mình. Rõ ràng, doanh nghiệp đã có nhận thức khá tốt về sự cần thiết phải chuyển đổi số, kết quả mà chuyển đổi số mang lại và bước đầu thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thời gian tới, để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp cả trong vấn đề đào tạo nhân lực cũng như thông tin các giải pháp số. Hiện, các giải pháp số trên thị trường rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp không đơn giản, nhất là với các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn cần giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí.

Hiện, hầu hết doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp công nghệ thông qua tư vấn của các nhà cung cấp nên đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất, cần có cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ, qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ thông tin, minh bạch và phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số về tất cả các khía cạnh liên quan (về tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư…); nghiên cứu các ví dụ thành công điển hình để lan tỏa, truyền cảm hứng, chia sẻ.

Dẫn kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S Furniture Huỳnh Thanh Vạn cho biết, trong năm 2021, doanh nghiệp này đã đầu tư 3 máy CNC cắt khắc gỗ và 2 robot, bảo đảm chính xác và tăng hiệu quả sản xuất 30% dù phải thực hiện giãn cách. Nhờ đó, doanh số cả năm đã tăng trên 30% so với năm 2020. Có được quyết định đầu tư đó là sự năng động, quyết liệt của ban lãnh đạo. Không chỉ thể hiện trong tầm nhìn, điều hành, thành viên ban lãnh đạo cũng phải trực tiếp đi học cách sử dụng các máy CNC này để đào tạo cho người lao động. “Nếu chuyển đổi số mà không xuất phát từ chính đội ngũ ban lãnh đạo cả trong nhận thức và hành động sẽ không thể thành công”, ông Vạn đúc kết.

Minh Châu