Góp ý Dự thảo Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)

Nên dành 30% ngân sách của khoa học và công nghệ cho nghiên cứu khoa học

- Thứ Năm, 13/06/2013, 08:39 - Chia sẻ

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh): Cần có cơ chế điều tiết phân bổ ngân sách đầu tư phát triển KH-CN

Tôi đồng ý mức chi ít nhất 2% ngân sách nhà nước cho KH-CN, tuy nhiên cần có cơ chế điều tiết việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển vì thực tế có nơi cần tiền thì không đủ tiền, có nơi có tiền thì không tiêu được do năng lực hấp thụ vốn đầu tư khoa học, công nghệ không đồng đều. Cơ chế khoán chi đã tiến bộ hơn so với việc cấp kinh phí như hiện nay giúp các nhà khoa học có thể tránh nói dối về chứng từ thanh toán. Tuy nhiên, nếu buộc khoán chi và phải có định mức kinh tế kỹ thuật như ở Điều 54 thì sẽ tiếp tục trói chân các nhà khoa học, bởi vì làm khoa học và sáng tạo cái mới, cái chưa biết và phải xác định trước đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối thì thật là khó khăn. Khác với phát triển công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học là các bài báo cáo nên càng không thể xác định chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật đối với các sản phẩm dự kiến khi thực hiện khoán chi. Vì vậy, tôi đề nghị trong trường hợp không có hoặc không thể có định mức kinh tế kỹ thuật và chỉ tiêu yêu cầu kỹ thuật thì cho phép khoán chi dựa vào thuyết minh chi tiết của đề tài dự án.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Tôi mong muốn dự luật thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước nhằm thu hút nhân tài

Theo tôi điều luật cần xác định rõ hơn khái niệm, địa vị pháp lý và điều kiện công nhận cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ theo hướng khuyến khích cởi mở. Đồng thời nên thể hiện rõ các chính sách mời gọi thu hút cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học tại Chương V, các biện pháp đảm bảo phát triển khoa học, công nghệ. Chúng ta không chỉ có hàng trăm mà hàng ngàn cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Nhiều kết quả nghiên cứu của các giáo sư, nhà khoa học Việt Nam vang danh khắp thế giới như các công trình nghiên cứu khoa học của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Giáo sư Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Thành tựu nghiên cứu của họ không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân, nhà khoa học mà là của cả quốc gia, cả giới khoa học chân chính trên thế giới. Do vậy, tại Điều 22, 23 và chính sách, biện pháp đảm báo phát triển khoa học, công nghệ tại Chương V, tôi mong muốn dự luật thể hiện như một lời mời trọng thị, thể hiện rõ ràng về quan điểm của Nhà nước nhằm thu hút những nhân tài, những tiềm lực còn rất lớn để chung tay, góp sức xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Ngô Đức Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh: đầu tư công, chính sách tạo thị trường, hỗ trợ tài chính... là rất quan trọng

Tôi cho rằng, việc phát triển KH - CN cần cả 3 yếu tố: nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ chế chính sách. Trong đó, nhân lực và cơ chế chính sách là hai yếu tố quan trọng hơn. Nói đến công nghệ cao, không thể không nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm về việc đầu tư các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu hàng triệu đến hàng chục triệu USD nhưng lại đắp chiếu chỉ vì không có nhân lực đủ tầm để vận hành một cách hiệu quả. Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi đầu tư cơ sở vật chất trong lĩnh vực công nghệ cao, hãy đầu tư đào tạo con người chuẩn bị cho việc vận hành, quản lý. Trong lĩnh vực công nghệ cao còn mới mẻ, chính sách nhà nước về đầu tư công, tạo thị trường cho sản phẩm, hỗ trợ tài chính... (không chỉ là chính sách đối với cán bộ làm KH - CN) là quan trọng để lĩnh vực công nghệ cao có thể tồn tại và cất cánh trong thời gian tới. Kinh nghiệm các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đều như thế cả. Sau thời gian tồn tại ban đầu nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, lĩnh vực công nghệ cao sẽ tự đứng vững, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và đem lại nguồn lợi rất lớn cho cả đất nước.

ĐBQH Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình): doanh nghiệp sẽ là một nguồn đầu tư rất lớn, thậm chí lớn hơn cả ngân sách nhà nước cho sự nghiệp phát triển KH - CN

Luật KH - CN (sửa đổi) lần này đã có sự bổ sung, sửa đổi mang tính đột phá cho KH - CN nước nhà: sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH - CN nhằm tạo ra các tổ chức KH - CN hoạt động một cách hiệu quả, xây dựng cơ chế đặt hàng để tạo ra được những sản phẩm cuối cùng có tính thương mại cao, cơ chế cấp phát kinh phí KH - CN thông qua quỹ, giao quyền mạnh hơn cho Bộ trưởng Bộ KH - CN. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật KH - CN (sửa đổi) đã đặt vấn đề một cách triệt để, đưa ra được các chính sách hỗ trợ rõ ràng cho doanh nghiệp. Tôi tin rằng, nếu Dự thảo luật lần này được thông qua, cũng như các văn bản dưới luật thể hiện chính xác tinh thần của Dự thảo luật và việc thực thi chính sách một cách nghiêm túc, thì doanh nghiệp sẽ là một nguồn đầu tư rất lớn, thậm chí lớn hơn cả ngân sách nhà nước cho sự nghiệp phát triển KH – CN.

ĐBQH Lê Văn Học (Lâm Đồng): Phải dành 30% ngân sách của khoa học và công nghệ cho nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp 

Hiện nay ngân sách nhà nước quy định ở trong luật KH-CN cố gắng dành từ 2% trở lên tổng chi ngân sách nhà nước cho KH-CN. Nhưng thực tế trong những năm vừa qua, trong 2% đó thì 90% là dành chi cho phát triển và chi thường xuyên. Tức là để trả lương và duy trì cho các cơ quan, các viện nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương. Tức là cho khoảng 60.000 người hiện nay đang làm việc. Như vậy chỉ còn 10% trong tổng số 2% là dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ngành đến cấp cơ sở. Chính vì thế cho nên kết quả nghiên cứu của chúng ta nó không có đáng bao nhiêu và không có sản phẩm nào nó xứng đáng với tiềm năng đất nước. Do đó, tôi đề nghị là dù ngân sách nhà nước có khó khăn, chúng ta chỉ chi được có thế thôi nhưng trong này phải ghi rõ hơn là trong đó cố gắng dành 30% cho việc nghiên cứu khoa học, cho các đề tài, còn lại 70% cho con người. Giống như trong giáo dục đào tạo được coi là quốc sách. Chúng ta chi 20% nhưng cố gắng dành 20% cho hoạt động giáo dục, còn lại 80% cho con người. KH-CN cũng vậy, nếu chúng ta không quy định thì có cơ quan là toàn bộ kinh phí, nói là kinh phí nghiên cứu khoa học nhưng mà nuôi con người đã không đủ.

Trần Kim Liên - Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương: ngành nông nghiệp rất khó duy trì thành tích tăng trưởng nếu không có những bước phát triển đột phá về KH - CN

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng, gần 70% dân số sống ở nông thôn và chiếm 20% GDP. Nông nghiệp giữ vai trò nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, làm bệ đỡ cho đời sống nông dân nông thôn, đặc biệt cho nhóm nghèo và ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong tương lai gần nông nghiệp Việt Nam rất khó duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và xuất khẩu nếu không có những bước phát triển đột phá về khoa học công nghệ, trong tổ chức chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm. KH và CN trong nông nghiệp hiện nay đang gặp rào cản rất lớn đó là nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ còn quá ít so với yêu cầu (đến năm 2015 dự kiến đầu tư cho KH - CN chỉ chiếm 1,5% GDP, trong đó đầu tư KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 0,3% GDP), đầu tư thiếu sự tập trung còn dàn trải và phân tán cho quá nhiều đề tài, chương trình, dự án, mang tính chất phân bổ tạo việc làm cho các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức khoa học và doanh nghiệp không được tham gia vào các chương trình đó, chưa thực hiện theo cơ chế đặt hàng và kết quả nghiên cứu chậm được thương mại hóa. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ thù lao quá thấp, không đảm bảo cuộc sống cho các nhà khoa học yên tâm gắn bó và sáng tạo. Ngoài ra, một môi trường làm việc tiện nghi phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng còn rất hạn chế so với các nước trong khu vực.

Chí Tuấn thực hiện