Nên duy trì hay kết thúc?

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:07 - Chia sẻ

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình)

Việc thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được rất nhiều kết quả nổi bật, góp phần rất quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và về đích trước 1 năm so với mục tiêu Quốc hội giao. Chương trình giảm nghèo bền vững thì tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%, bình quân trong 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,43%/năm, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%. Đây là thành tích rất lớn, rất quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, đặc biệt thế giới ghi nhận việc chúng ta quyết tâm giảm nghèo bền vững.

Tại Kỳ họp thứ Mười, Chính phủ vẫn đề xuất Quốc hội trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Vấn đề này Quốc hội Khóa XV sẽ quyết định nhưng có lẽ chúng ta cũng cần cân nhắc, tính toán lại xem có nhất thiết phải làm 3 chương trình mục tiêu quốc gia không hay chỉ cần làm 2 chương trình gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn tới có thể cân nhắc. Bởi đến nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước chỉ còn 1,75% nhưng lại tập trung ở vùng dân tộc thiểu số miền núi, có những nơi đến 50%, 65%. Như vậy, những vùng không phải dân tộc thiểu số và miền núi thì tỷ lệ hộ nghèo là rất thấp. Nói cách khác, nghèo đói đã không còn là vấn đề quốc gia nữa. Nếu vậy có nhất thiết tiếp tục phải duy trì chương trình mục tiêu quốc gia này nữa hay không? Tất nhiên, nếu duy trì được thì rất tốt nhưng có mấy điểm cần cân nhắc:

Một là, nghèo đói không còn là vấn đề quốc gia nữa mà là vấn đề của từng địa phương, từng tỉnh. Có thể có một chương trình mục tiêu như mười mấy chương trình mục tiêu hiện vẫn đang thực hiện nhưng không gọi là chương trình mục tiêu quốc gia nữa. Hai là, trong điều kiện chúng ta huy động nguồn vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và việc dồn lực khắc phục hậu quả nặng nề của đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua. Chúng ta đã phải tính đến việc nới trần nợ công để huy động các nguồn vốn nên cần cân nhắc. Thực tế, hai chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã có nội dung rất quan trọng về giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Khi Quốc hội thảo luận để quyết định thông qua Nghị quyết 120 về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra những trùng lặp với hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và về giảm nghèo bền vững. Chính phủ báo cáo Quốc hội sẽ cố gắng điều chỉnh những nội dung trùng lặp để bảo đảm không trùng về một đối tượng, không trùng với một địa bàn nhưng thực tế cũng rất khó tránh được tình trạng trùng lặp.

Với những lý do như vậy, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ và toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để báo cáo Quốc hội quyết định có cần thiết phải tiếp tục thực hiện chương trình này trong giai đoạn tới không hay nên kết thúc và triển khai ở góc độ một chương trình mục tiêu. Mặt khác, thực tế đã cho thấy, nghèo đói có nguyên nhân rất quan trọng là do cơ sở hạ tầng. Các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đang cần rất nhiều tiền để làm đường, để tạo sinh kế, thậm chí bây giờ cần rất nhiều tiền để tái định cư và ổn định cho người dân vùng dân tộc thiểu số nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Phải tính lại tất cả những vùng có nguy cơ sạt lở để bố trí tái định cư sớm cho người dân.

Chúng ta phải đi trước một bước trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Vấn đề này đã được xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng phải quan tâm thêm, ưu tiên nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng thấp, điều kiện sinh kế, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu, thiên tai.

PV lược ghi