Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid - 19:

Nên kiên trì chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

- Thứ Hai, 08/11/2021, 15:58 - Chia sẻ
Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều đại biểu quan tâm đến chính sách thu ngân sách, đồng thời đề nghị trong bối cảnh dịch bệnh và ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn nặng nề trong thời gian tới, nên kiên trì chính sách khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Thống nhất thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch

Đề cập đến chính sách thu ngân sách, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu vấn đề: Trong Báo cáo của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

"Tôi cho rằng, cần hết sức cân nhắc giải pháp trên với hai lý do. Một, việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi chúng ta khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo. Hai, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua (2019 - 2021), trong chính sách tài khóa, việc miễn, giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu và trong năm 2022 rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Chính vì vậy, tôi cho rằng tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.

Về thể chế và pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, hơn bao giờ hết, trong dịch bệnh chúng ta nhìn thấy rõ nhất những thiếu hụt của hệ thống pháp luật liên quan. Có những tình huống không có căn cứ pháp lý để xử lý, dẫn đến áp dụng thiếu thống nhất. "Tôi đề nghị, cần rà soát tổng thể để có khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định, đặc biệt là mang tính dự báo cao trong những năm tiếp theo".

Về định hướng trong thời gian tới, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, đối với Luật Các tổ chức tín dụng, nếu như tới đây Quốc hội thông qua kế hoạch kích thích phát triển, phục hồi kinh tế với những biện pháp tiền tệ mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết. Cùng với đó, cần sớm ban hành luật về xử lý nợ xấu. Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu là khá cao, đến tháng 8 đã là 7,69% và nếu như dịch bệnh kéo dài thì con số này còn cao hơn. Chúng ta không thể lấy Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm để áp dụng ổn định lâu dài.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị cần rà soát, ban hành những quy định mang tính thống nhất về thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch để kịp thời hạn chế tình trạng thiếu thống nhất trong xử lý giữa các địa phương như thời gian qua. Tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc để huy động sức mạnh của hệ thống y tế tư nhân vào công cuộc phòng, chống dịch; khắc phục những thiếu hụt, hạn chế của hệ thống y tế công lập. 

"Tôi rất mong Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết điều chỉnh chế độ, chính sách cho những người đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch. Đó là lực lượng y sĩ, bác sĩ, quân đội, công an - những người đang phải đối mặt với nguy hiểm để giành giật sự sống và bảo vệ cuộc sống bình yên cho chúng ta", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Đặt hàng doanh nghiệp đầu tư các sản phẩm ưu tiên, tạo đột phá trong phát triển

Qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt để phòng, chống dịch, thì kinh tế nước ta đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng 6,61% trong quý II xuống âm 6,17% trong quý III; hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa sau mỗi tháng và hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương. Điều đó cho thấy, sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đang bị suy kiệt.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Đưa ra nhận định này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, để kinh tế trong nước không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, "đặt chân" vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính:

Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường; trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để bảo đảm kinh doanh. Đồng thời, phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.

"Nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều phải được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. Không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất và không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán", đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ.

Ảnh: Quang Khánh

Thứ hai, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công thì cần có các giải pháp mới mang tính khác biệt, đó là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, gồm: đường sắt; kinh tế biển; và hạ tầng công nghệ số của riêng nước ta để đi trước trong chuyển đổi số, chủ động kiểm soát, bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia.

Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá?

Trả lời cho câu hỏi này, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, "nước ta đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi những năm qua nỗ lực để đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp, còn 43,7% so với mức trần là 60%. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2 - 3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2 - 3 năm thì sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá. 

"Việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước trên thế giới vẫn làm là điều không phù hợp đối với điều kiện kinh tế -  xã hội nước ta", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ. Việc vay nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá trong phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn. Phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút các dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát.

"Tôi kỳ vọng rằng, với những giải pháp đặt hàng không chỉ giúp cho nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, theo kịp đà phát triển, phục hồi kinh tế thế giới mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế mạnh để làm trụ cột, đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Quang Khánh