Nền lập pháp vì dân

- Thứ Ba, 20/07/2021, 05:32 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV bắt đầu vào thời điểm đại dịch Covid-19 ở nước ta hoành hành với mức độ chưa từng thấy và được dự báo chưa thể khống chế hoàn toàn trong thời gian tới. Cộng với đó, thiên tai hàng năm vẫn xảy ra, các mối đe dọa từ bên ngoài vẫn rình rập.

Trong bối cảnh bất an như vậy, có lẽ mong muốn lớn nhất của cả xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, từng người dân là sự an vui - an toàn, an lành, niềm vui cuộc sống, hạnh phúc. Quốc hội Khóa XV với tư cách là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, mỗi đại biểu Quốc hội với tư cách là người đại diện cho cử tri có thể làm để có sự bình an trong lòng xã hội và đất nước, trong tâm trí mỗi người, an tâm làm ăn, sinh sống?

Nhân dân, cử tri trông đợi Quốc hội xác định đúng và trúng ưu tiên của quốc gia, của Nhân dân, đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi lẽ, các nguồn lực đều có giới hạn, dùng vào việc này thì sẽ không còn để dùng vào việc khác. Cụ thể hơn, trong bối cảnh hiện nay, chương trình nghị sự của Quốc hội có thể ưu tiên những đầu việc mang lại sự an vui cho xã hội, cho Nhân dân. Chẳng hạn, một trong những việc cần làm ngay từ đầu nhiệm kỳ là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đầy đủ, cụ thể, rõ ràng hơn để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp như thiên tai, địch họa, đại dịch; tạo căn cứ vững chắc hơn cho Chính phủ yên tâm phòng, chống Covid-19.

Hoặc là, để có an vui của toàn xã hội và từng người dân, cần có những quyết sách để cải thiện “sức khỏe” của nền kinh tế và xã hội khi đại dịch qua đi. Đại dịch đã giáng đòn không chỉ với người nghèo, người yếu thế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nhóm chịu tác động nặng nề nhất nhưng có vẻ chưa được quan tâm đúng mức. Những doanh nghiệp này mong chờ ở Quốc hội những chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ, “vực” họ dậy, tạo môi trường thuận lợi, giám sát việc thực hiện pháp luật để có thể hoạt động bình thường trở lại và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, pháp luật về an sinh xã hội, tấm lưới đỡ đặc biệt quan trọng với người dân trong bối cảnh bất an, cũng nên là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của Quốc hội khóa mới...

Nhân dân, cử tri hy vọng Quốc hội Khóa XV tiếp tục chuyển mạnh hơn nữa sang “Quốc hội tranh luận” như Quốc hội Khóa XIV đã khởi đầu. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được kỳ vọng là “chốt chặn” giúp Quốc hội “lọc” những dự án luật chưa cần thiết hoặc chưa đạt yêu cầu; báo cáo thẩm tra là nguồn thông tin đáng tin cậy hỗ trợ đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận, biểu quyết về các nội dung trong chương trình kỳ họp Quốc hội.

Đặc biệt, mục tiêu, mong mỏi an vui hội tụ ở lá phiếu của Nhân dân, của cử tri đã trao gửi cho các đại biểu Quốc hội. Hy vọng, Quốc hội Khóa XV sẽ có những đại biểu dám lên tiếng và biết cách lên tiếng như nhiều “đồng nghiệp” đi trước đã có bản lĩnh, chính kiến, những cách làm, phong cách khác nhau để mang “tiếng dân” tới nghị trường. Nhân dân mong đợi đại biểu Quốc hội biết tĩnh tâm, loại ra những ồn ào, áp lực của lợi ích nhóm; tĩnh tâm để lắng nghe được những tiếng nói và cả những nỗi niềm chưa được nói ra của người dân, chắt lọc thành những quyết sách phù hợp nhất. Khi bàn bạc việc nước, việc công, đại biểu Quốc hội cần tự vấn mình trong sôi trào của cảm xúc ở trái tim và tĩnh lặng của lý trí ở bộ não, xem một chính sách, một đạo luật có hợp với lợi ích chung hay không.

Nhân dân tiếp tục trông đợi những đại biểu tâm huyết như thế ở Quốc hội Khóa XV này!

Nguyễn Đức Lam