Nên mở rộng khái niệm "chỗ ở hợp pháp"

- Thứ Ba, 29/09/2020, 08:28 - Chia sẻ
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách góp phần ổn định di dân tự do. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 88 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung về ổn định di dân tự do.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12 đặt mục tiêu từ năm 2020 - 2025 ổn định được đời sống dân di cư tự do và phấn đấu đến năm 2030 chấm dứt được tình trạng di dân tự phát và di dân tự do. Đặc biệt, ngày 1.3.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 22 về ổn định di dân tự do. Nghị quyết 22 đề cập đến công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư ở một số địa phương chưa chặt chẽ; việc đăng ký nhập hộ khẩu thường trú còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, hiện vẫn còn hàng chục nghìn hộ di dân tự do chưa được đăng ký hộ khẩu.

Đây là một tồn tại từ nhiều năm nhưng không giải quyết được do vướng mắc về thủ tục pháp lý. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cũng đã thảo luận và tới đây sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười cần có biện pháp để giải quyết vấn đề về đăng ký hộ khẩu của hàng chục nghìn hộ di dân tự phát nói trên.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Cư trú cũng đã thấy được những bất cập khác có liên quan đến quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Cư trú hiện hành, đó là quy định nơi cư trú của công dân, là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về chỗ ở hợp pháp đang là rào cản rất lớn, gây khó khăn vô cùng cho việc giải quyết đăng ký cư trú cho công dân, trong đó có các hộ di cư tự do tại các khu vực chưa được công nhận hoặc chưa được quy hoạch là khu dân cư.

Mặt khác, với quy định về địa điểm không được đăng ký thường trú mới tại Điều 24 của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) càng khiến cho cơ hội được đăng ký cư trú của những trường hợp này trở nên không thể được vì bản thân họ sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã ổn định, làm ăn sinh sống trên 25 năm nay, đặc biệt ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Chưa kể các hộ dân này đã đi khỏi nơi cư trú rất lâu, khoảng 30 năm, gặp nhau trên đường rồi lấy nhau, sinh con rồi đi dọc suốt chiều dài đất nước, qua nhiều địa bàn khác nhau đến với địa bàn cuối cùng là nơi ở hiện nay. Ví dụ, đến ở tại Lâm Đồng thì không còn giấy tờ về hộ tịch, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu gốc. Do đó, việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu rất khó khăn.

Căn cứ vào Điều 23 và Điều 24 Hiến pháp năm 2013 nhằm tiếp tục tháo gỡ rào cản này, tạo cơ hội để các hộ di dân tự do, tự phát được đăng ký cư trú, tôi tha thiết đề nghị cần nghiên cứu những quy định trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) để các hộ di dân tự do, tự phát đang định canh, định cư ổn định tại khu vực sẽ được quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được coi là chỗ ở hợp pháp.

Như vậy, khái niệm "chỗ ở hợp pháp" cần được mở rộng thêm. Các quy hoạch khu dân cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc các đề án quy hoạch khu dân cư sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong tương lai thì nên được coi là chỗ ở hợp pháp, được đăng ký cư trú theo luật quy định, đặc biệt là đối với các dự án thực hiện theo chương trình Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 22 của Chính phủ. Đây là vấn đề bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)