Gói miễn, giảm thuế trị giá 20 nghìn tỷ đồng

Nên triển khai “online”, tránh thủ công, tiếp xúc

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:16 - Chia sẻ
Dự kiến tại phiên họp thứ 2 vào ngày 17 và 18.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành dự thảo nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Để chính sách đến với người dân, doanh nghiệp nhanh nhất, thuận tiện nhất khi nhiều tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội, các chuyên gia cho rằng, thủ tục, chứng từ phải được đơn giản tối đa và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh triển khai qua trực tuyến.
		Gói hỗ trợ miễn, giảm thuế sắp ban hành làm ngân sách hụt thu khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Nguồn: ITN
Gói hỗ trợ miễn, giảm thuế sắp ban hành làm ngân sách hụt thu khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: ITN

Ba chính sách hỗ trợ lần đầu được đề xuất

Ngày 13.8, Chính phủ đã có Tờ trình 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Tại phiên họp thứ 2, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 17 và 18.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến vào dự thảo này.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung dự thảo nghị quyết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua gồm 4 chính sách. Theo đó, sẽ tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.

Cùng với đó là 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch Covid - 19 xuất hiện tại nước ta. Cụ thể, một là, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của quý III và quý IV.2021 với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Hai là, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác... Ba là, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong 3 năm 2018 - 2020.

Theo dự tính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo nghị quyết làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung trong dự thảo nghị quyết này thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.

Hạn chế tối đa thủ tục hành chính

Hiện Bộ Tài chính đang đồng thời xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành nghị quyết để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện sau khi nghị quyết được thông qua. “Việc xây dựng dự thảo nghị định phải bảo đảm hạn chế tối đa thủ tục hành chính; trường hợp có phát sinh thì phải phù hợp với pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế”, ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các giải pháp miễn, giảm thuế khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp; giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay.

Nhìn lại các chính sách hỗ trợ được ban hành và thực hiện thời gian qua, có thể thấy điểm yếu không phải là loại hình hỗ trợ cụ thể mà là chuyện thực thi. Vì vậy, để chính sách miễn, giảm thuế lần này đến với người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, đơn giản nhất, thuận tiện nhất trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh triển khai hỗ trợ qua trực tuyến, các chứng từ và thủ tục phải được đơn giản hóa tối đa. Tránh trường hợp như gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng vừa qua, dù thủ tục đã được rút gọn, nhưng việc xin, xét duyệt, trả lời và chi trả dường như vẫn chủ yếu dựa vào giấy tờ thủ công và tiếp xúc trực tiếp, thay vì được thực hiện trực tuyến.

Hà Lan