Nga liệu có muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Afghanistan?

- Thứ Ba, 31/08/2021, 05:34 - Chia sẻ
Khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Nga đã có nhiều động thái, tự chỉ định mình như một quốc gia trung gian hòa giải ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhấn mạnh vị trí của họ như một bên liên quan chính ở Afghanistan. Liệu có phải Nga đang mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà nước Mỹ để lại sau khi rút quân?
Nguồn: AP và Reuters

Sự chuẩn bị của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã nhắc nhở các nước phương Tây về những nỗ lực ảm đạm của họ trong việc thành lập một Chính phủ dân chủ ở Afghanistan. “Tôi cho rằng nhiều chính trị gia phương Tây đang bắt đầu hiểu rõ hơn thực tế là không thể áp đặt các tiêu chuẩn ngoại lai về chính trị và ứng xử lên các quốc gia, dân tộc khác”, ông Putin nói trong một cuộc họp báo ngày 20.8 sau khi hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Sau khi Taliban chiếm thủ đô Kabul và tuyên bố chiến thắng vào ngày 15.8, nước Nga đã tung ra một loạt các nỗ lực ngoại giao để tận dụng động lực mới.

Nước Nga đã cố gắng cho cộng đồng quốc tế thấy khả năng khôi phục trật tự ở Afghanistan sau cuộc rút quân hỗn loạn của quân đội Mỹ bằng cách tổ chức các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của Uzbekistan, Iran, Tajikistan, Pháp và Italy.

Trong khi hầu hết các nước phương Tây đang nháo nhào sơ tán nhân viên Đại sứ quán khỏi Afghanistan, thì Đại sứ quán Nga tại Kabul vẫn hoạt động bình thường. Vào ngày 15.8, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc ở đây một cách bình tĩnh”.

Ông Zhirnov giải thích quyết định của mình bằng cách lưu ý rằng “hiện tại không có mối đe dọa ngay lập tức đối với nhân viên hoặc cơ sở sứ quán của chúng tôi.” Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Nga tại Afghanistan cũng đánh tiếng rằng, họ đã đạt được sự tin tưởng nhất định với quân nổi dậy thông qua cuộc gặp gỡ trước đó với đại diện của Taliban vào ngày 17.8.

Trong một dấu hiệu khác, Điện Kremlin đang chuẩn bị cho việc Taliban trở lại nắm quyền. Đặc phái viên của Tổng thống Putin tại Afghanistan, Zamir Kabulov cho biết, Moscow đã nỗ lực thiết lập “các mối liên hệ với phong trào Taliban trong 7 năm qua”. Ông nói thêm rằng Nga đã dự đoán sớm việc Taliban sẽ “đóng một vai trò hàng đầu trong tương lai của Afghanistan”.

Nga từng liệt Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố và đặt tổ chức này ngoài vòng pháp luật. Nhưng thực tế, Chính quyền Moscow đã đón tiếp một cách không chính thức một phái đoàn Taliban đến Moscow hồi tháng 7.2021.

Kể từ khi Taliban bắt đầu giành được những chiến thắng trên thực địa đầu tiên vào đầu tháng 8, quân đội Nga đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các lực lượng Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc tại các khu vực giáp biên giới với Afghanistan. Uzbekistan và Tajikistan - hai trong số năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á - được Moscow coi là một phần ảnh hưởng của mình. Nga cũng có liên minh quân sự với Tajikistan.

Tất cả các quốc gia này đều lo sợ Taliban hoặc các chiến binh Hồi giáo khác đang ẩn náu ở Afghanistan có thể lợi dụng tình trạng lộn xộn hiện nay để xâm nhập vào lãnh thổ của họ, gây rối loạn các khu vực biên giới. Thông qua các cuộc tập trận, Nga đã được quốc tế ngầm công nhận chiếc áo sen đầm ở khu vực Trung Á.

Bóng ma quá khứ

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một kịch bản hậu Mỹ ở Afghanistan, nhưng có thể nói rằng Nga không quá muốn dấn thân vào vùng biển chính trị nguy hiểm của khu vực. Moscow chỉ đơn giản là lo ngại rằng sự xuất hiện của bất kỳ mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nào đối với Trung Á - khu vực được coi là sân sau của họ - có thể đe dọa đến an ninh của chính họ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo về khả năng những kẻ khủng bố ở Afghanistan có thể xâm nhập vào Nga thông qua Tajikistan, Uzbekistan hoặc Kyrgyzstan. Đối với người Nga, tình hình hiện tại khơi lại những ký ức cay đắng về các cuộc tấn công khủng bố của các chiến binh Hồi giáo trong những năm 1990 và 2000.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể đạt được một kết quả ổn định ở Afghanistan và các khu vực khác của Trung Á trong khi tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực hay không? Tổng thống Putin biết quá rõ rằng Afghanistan đang đặt ra một thách thức ghê gớm với một bối cảnh chính trị bị chia cắt được cai trị bởi các lãnh chúa trong khu vực đang tranh giành quyền lực tối cao.

Ông Putin và người Nga chắc chắn chưa quên được ký ức của năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan mở đầu cho một cuộc chiến tồi tệ kéo dài 10 năm và cướp đi sinh mạng của hơn 14.000 người Liên Xô trước khi Moscow thất bại. Nhiều người Nga vẫn chưa vượt qua được đau thương của cuộc chiến ở Afghanistan.

Kịch bản đang diễn ra đáng lo ngại ở một số cấp độ. Thứ nhất, Afghanistan đã trở nên chín muồi đối với các nhóm khủng bố. Đó là lý do Nga phải nhanh chóng xúc tiến các cuộc tập trận quân sự chung với các nước láng giềng. Thứ hai, Afghanistan đã và đang khiến làn sóng người tị nạn có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng. Nước láng giềng Tajikistan đã phải gấp rút xây dựng một cơ sở để chứa người tị nạn, trong đó có nhiều người không được kiểm tra kỹ lưỡng.

Đóng vai trò là điểm trung chuyển cho những người chạy trốn khỏi Afghanistan, Uzbekistan cũng có lý do để lo ngại về làn sóng tị nạn từ Afghanistan bởi đây là một trong số ít quốc gia không ký Công ước LHQ về người tị nạn. Trong những năm 1990 và 2000, đất nước này phải hứng chịu các cuộc tấn công của dân quân vũ trang, phản kháng vì nghèo khổ và tình trạng tham nhũng của chính quyền, vốn từng được coi là khủng bố. Những năm gần đây, Chính phủ Uzbekistan đã cố gắng khôi phục luật pháp và trật tự, loại bỏ bất kỳ mầm mống nào của chủ nghĩa khủng bố.

Thứ ba, một trong những mối quan tâm lớn khác của Moscow là buôn bán ma túy. Afghanistan là một trong những nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất. Đây cũng là nguồn tài chính chủ yếu của Taliban. Mặc dù Taliban được cho là đã cam kết với Nga về việc sẽ xóa sổ nạn sản xuất ma túy, nhưng sẽ không dễ dàng để phá hủy cả một đế chế tội phạm liên quan đến ma túy và buôn người.

Cuối cùng, lo lắng lớn nhất đối với Nga là tính thiếu chắc chắn trong tương lai cai trị của Taliban. Liệu tổ chức này sẽ mang lại một tương lai ổn định hơn cho Afghanistan như họ cam kết khi cần có được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, hay sẽ quay trở lại với chế độ hà khắc trong quá khứ sau khi đã danh chính ngôn thuận lên nắm quyền?

Vẫn còn quá sớm để nói liệu chiến lược của Nga đối với Afghanistan sẽ dẫn đến một chiến thắng ngoại giao hay một điều gì đó ảm đạm hơn. Nhưng một điều rõ ràng là Tổng thống Putin không có lựa chọn nào khác ngoài việc dành nguồn lực khổng lồ cho các cơ quan an ninh và tình báo của mình để bảo đảm một kết quả thuận lợi ở Trung Á. Dù họ muốn hay không muốn lấp đầy khoảng trống quyền lực ở quốc gia này, họ vẫn phải can dự.

Quốc Đạt