Nga sẽ cung ứng 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19

- Thứ Hai, 21/09/2020, 22:49 - Chia sẻ
Nga đã đạt nhiều thỏa thuận sơ bộ về bán vaccine ngừa Covid-19 Sputnik-V, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, với hơn 10 nước ở châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông, bước đi có thể mang lại cho Moscow ưu thế chính trị và kinh tế đáng nể trên trường quốc tế.

Trong số các nước đã ký thỏa thuận cung ứng, Brazil, Mexico, Ảrập Xêút, Ấn Độ là những khách hàng nổi bật của Nga. Ngoài ra, Moscow cũng đang đàm phán với nhiều nước khác về hợp đồng cung ứng vaccine. Tính tổng các thỏa thuận đã ký và các nước đang quan tâm, Nga có trong tay đơn hàng cung cấp 1,2 tỷ liều vaccine ra thế giới.

Theo giới chức Nga và các nước đối tác, những lô vaccine này sẽ được sản xuất ở nước ngoài và phân phối ra toàn thế giới sớm nhất là từ tháng 11 tới. Trước khi được lưu hành trên thị trường, vaccine của Nga sẽ phải nhận được chấp thuận, phê duyệt của chính quyền nước sở tại.

Giới chức Nga kỳ vọng sẽ tiêm ngừa Covid-19 trên quy mô toàn quốc vào cuối năm nay. Theo Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Nga và hiện là chuyên gia phân tích chính trị, vaccine đương nhiên sẽ giúp Nga giành được thiện cảm từ các nước phi phương Tây và tăng cường ảnh hưởng địa chính trị cho Moscow.

Tính riêng lẻ, Nga dự kiến sản xuất 30 triệu liều vaccine Sputnik-V vào cuối năm nay để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ở nước ngoài, theo ông Kirill Dmitriev - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đầu mối đi đầu trong phát triển vaccine, Nga đã có hợp đồng cung cấp Sputnik-V với hơn 10 nước. Trong đó Ấn Độ đặt mua 100 triệu liều, còn với Brazil, riêng bang Bahia đặt mua 50 triệu liều. Ngoài nhóm nước đã đặt mua, hơn 20 nước khác đang đàm phán với Nga ở nhiều giai đoạn khác nhau nhằm có được vaccine Sputnik-V. Để đáp ứng nhu cầu, Nga sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nhà máy đặt ở Ấn Độ, Brazil và Hàn Quốc, từ đây phân phối vaccine ra thế giới.

Nga đã ký thỏa thuận với một số đối tác Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ai Cập và nước láng giềng Belarus về thử nghiệm lâm sàng đối với mẫu vaccine Sputnik-V. Tuần trước, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard tuyên bố vaccine của Nga nằm trong số ứng viên Mexico quan tâm. Mexico cũng muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 500 - 1.000 tình nguyện viên.

Trên phạm vi toàn cầu, riêng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã ký hợp đồng mua ít nhất 3,7 tỷ liệu vaccine với các công ty dược phương Tây, hút gần như hết năng lực sản xuất vaccine toàn cầu và đẩy các nước đang phát triển đứng trước nguy cơ không tiếp cận được nguồn cung. Hệ quả là nhu cầu đối với vaccine của Nga đặc biệt lớn ở nhóm nước đang phát triển. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần trước khẳng định nước này sẽ ưu tiên mua vaccine của Nga và Trung Quốc, không tin tưởng vào các nhà sản xuất vaccine phương Tây vì cho rằng họ chỉ tập trung vào lợi nhuận.

Về phần mình, giới chức Nga tuyên bố không các mẫu vaccine của Nga là an toàn, hiệu quả hơn so với phương Tây và Moscow không cạnh tranh để ghi điểm địa chính trị, đơn giản chỉ là đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của thế giới.

Quỳnh Vũ