Sổ tay:

Ngăn chặn mua bán hóa đơn bất hợp pháp

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:41 - Chia sẻ
Năm nào Bộ Tài chính cũng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo cơ quan thuế triển khai các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn, song tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn xảy ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...

Thời gian qua, cơ quan tố tụng làm rõ và xử lý nhiều đường dây mua bán hóa đơn với số tiền thu lời bất chính lớn. Tuy vậy, tình trạng mua bán, giao dịch ngầm hóa đơn bất hợp pháp vẫn xảy ra. Đơn cử, chỉ trong vòng 2 tháng qua, riêng tại Hải Phòng, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ mua bán hóa đơn đỏ với số lượng lớn với tổng trị giá hóa đơn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình, Công an TP Hải Phòng tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Văn Phát (sinh năm 1964) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TM Xăng Dầu Phát về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng".

Vi phạm khủng của doanh nghiệp này với giao dịch lên tới hơn 5.000 tỷ đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp trong việc lập ra các công ty “ma” để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Không chỉ xảy ra tại Hải Phòng, tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp còn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác như Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Hà Nội...

Theo các chuyên gia về tội phạm, một trong những nguyên nhân khiến tội phạm lĩnh vực này gia tăng nhanh thời gian qua là do nhu cầu về hóa đơn giá trị gia tăng của doanh nghiệp rất lớn, lại dễ mang lại lợi nhuận cao, nên các tội phạm “nhắm mắt làm liều”. Và chiêu thức để đối tượng thực hiện thủ đoạn, hành vi phạm tội trong việc giao dịch mua bán hóa đơn và dễ bề “qua mặt” cơ quan chức năng đó là thành lập các doanh nghiệp nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả để sử dụng vào việc bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng nhằm thu lời bất chính.

Để ngăn chặn việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp, thời gian qua Bộ Tài chính đã có nhiều bản hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương tăng cường kiểm tra chặt chẽ tại các khâu: Kê khai thuế; In ấn, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn; Rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này để phát hiện việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm xử lý kịp thời các vi phạm về hoá đơn...

Mặt khác, để phục vụ cho công tác điều tra, phát hiện và khởi tố các tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp, cung cấp thông tin về người nộp thuế theo đề nghị cho cơ quan công an. Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế... Tuy nhiên với những diễn biến qua các vụ án hóa đơn lớn thời gian gần đây cho thấy, rõ ràng việc quản lý thuế, quản lý doanh nghiệp chưa theo kịp để phát hiện và ngăn cản các hành vi vi phạm pháp luật... 

Từ thực tế nêu trên, để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, ngành chức năng cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ thuế; đồng thời tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước... Ngoài ra, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giám sát, quán triệt cán bộ, công chức tránh tình trạng “móc ngoặc”, nhắm mắt cho qua của các cán bộ, công chức đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Hải Thanh