Luật pháp về dược của Bangladesh

Ngăn chặn những sơ suất tiềm tàng

- Thứ Hai, 30/11/2020, 07:05 - Chia sẻ
Chính phủ Bangladesh sẽ sớm trình dự luật mới với các hình phạt cứng rắn hơn, bao gồm cả án tù chung thân, để ngăn chặn hành vi sơ suất do sản xuất, tàng trữ và bán thuốc giả hoặc thuốc bị pha tạp chất.

Hệ thống hóa và hoàn thiện

Tờ Dhaka Tribute dẫn nhiều nguồn tin cho biết, dự thảo Luật Dược 2019 đang được chỉnh sửa lần cuối tại Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Bangladesh sau khi tham vấn các tổ chức chính phủ và các bên liên quan. Văn bản này sẽ hợp nhất, cập nhật Luật Dược 1940 và Sắc lệnh kiểm soát thuốc năm 1982. Được biết, hai văn bản quy phạm pháp luật trên tập trung vào chất lượng thuốc, trong đó Luật Dược năm 1940 không đề cập gì về việc pha trộn thuốc.

Nguồn: ITN

Chính sách dược quốc gia năm 2016 của Bangladesh từng đề xuất phải xây dựng luật mới vì các chính sách, luật và quy tắc liên quan hiện hành không đủ và không thể kiểm soát, giám sát hệ thống sản xuất, kiểm tra chất lượng, bán, phân phối, bảo quản, nhập khẩu và xuất khẩu thuốc. Hình phạt tối đa theo Sắc lệnh (kiểm soát) thuốc năm 1982 hiện là 10 năm tù. Vì vậy, dự luật dự kiến sửa đổi và tăng hình phạt đối với một số tội danh khác để làm cho nó nghiêm ngặt hơn.

Thực tế cho thấy, tới nay, rất hiếm trường hợp tòa án tuyên mức án 10 năm tù vì tội làm thuốc giả ở Bangladesh. Năm 2014, mức án này lần đầu tiên được tuyên đối với một chủ sở hữu và hai quan chức của Công ty Dược phẩm Adflame Pharmaceuticals trong một vụ án liên quan đến cái chết của 76 trẻ em do thuốc giả vào những năm 1990. Trong năm tiếp theo, 6 quan chức của Công ty Dược BCI Pharmaceuticals cũng phải đối mặt với hình phạt tương tự.

Tuy nhiên, một quan chức của Polychem Laboratories Limited chỉ bị tù một năm vào năm 2019 sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 26 năm. Tháng 11.2016, tòa án đã tuyên trắng án cho tất cả 5 quan chức của Rid Pharmaceuticals Ltd trong vụ án sản xuất xirô paracetamol gây độc khiến 28 trẻ em tử vong trên khắp Bangladesh năm 2009. BCI Pharmaceuticals, Adflame Pharmaceuticals, Polychem Laboratories và Rex Pharma thì bị báo cáo là đã sử dụng hóa chất độc hại công nghiệp Di-Ethylene Glycol trong các nhãn thuốc paracetamol của họ.

Chính phủ Bangladesh yêu cầu Tổng cục Quản lý Dược (DGDA) xây dựng dự thảo luật mới. Giám đốc DGDA, Thiếu tướng Md Mahbubur Rahman đánh giá: “Dự thảo luật này rất quan trọng đối với lĩnh vực dược. Chúng tôi đã hợp nhất các nội dung từ sắc lệnh, luật hiện hành và thêm một số phần mới để làm cho văn bản mới cập nhật”. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ y tế của Bộ Y tế, ông Md Abdul Mannan nhận xét: “Dự luật mới rất cần thiết để giúp cho ngành y tế và dược phẩm có trách nhiệm hơn”.

Một quan chức y tế giấu tên cho rằng, việc đưa vào dự luật hình phạt nghiêm khắc hơn sẽ tăng cường tính răn đe đối với những hành vi phạm tội. Vì từng xảy ra những vụ việc mà việc sản xuất và bán thuốc pha tạp chất khiến trẻ em tử vong chỉ bị trừng phạt nhẹ, nên “dự luật mới sẽ gửi thông điệp cho các nạn nhân rằng công lý sẽ không bỏ rơi họ”. Bên cạnh đó, trong tương lai, chính phủ có thể xem xét thành lập các tòa án đặc biệt để xét xử nhanh những vụ án liên quan đến thuốc. Vì vậy, việc xây dựng luật là bước đi tiến tới điều đó.

Tăng cường chế tài

Theo dự thảo luật mới, nếu bất kỳ cá nhân nào cố ý làm giả bất kỳ loại thuốc nào sẽ bị kết án mức phạt tù cao nhất là chung thân, phạt tiền 20 vạn taka (khoảng gần 55 triệu đồng). Hình phạt tương tự cũng áp dụng đối với những người phạm tội lưu trữ, bán, phân phối hoặc trưng bày các sản phẩm trên.

Ngoài ra, nếu bất kỳ cá nhân, công ty hoặc cửa hàng thuốc nào sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối, trưng bày và bán bất kỳ loại thuốc nào chưa đăng ký, sẽ bị phạt 10 năm tù và 10 vạn taka tiền phạt. Việc sản xuất và nhập khẩu thuốc không có giấy phép hợp lệ cũng phải đối mặt với hình phạt tương tự.

Dự luật cũng khuyến nghị trừng phạt hành vi bán rong các loại thuốc chống dị ứng, chế phẩm thuốc phóng xạ, thuốc hóa sinh, thảo dược hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác tại các lối đi bộ, đường cao tốc, công viên hoặc trên phương tiện giao thông công cộng. Những ai không chấp hành sẽ bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền 2 vạn taka. Nếu cá nhân hoặc công ty nào sản xuất, lưu trữ hoặc bán thuốc kém chất lượng, sẽ bị phạt 7 năm tù và 10 vạn taka so với mức phạt hiện tại là 5 năm tù và 1 vạn taka.

Việc bán thuốc trực tuyến cũng được thắt chặt. Nếu không có giấy phép hợp lệ sẽ không ai được phép bán, lưu trữ, trưng bày hoặc phân phối bất kỳ loại thuốc nào trực tuyến. Không có trang web hoặc nền tảng trực tuyến nào được sử dụng cho mục đích này. Hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với 5 năm tù và phạt tiền tối đa là 5 vạn taka.

Bên cạnh đó, các cửa hàng thuốc sẽ phải thận trọng hơn đối với các loại thuốc quá hạn sử dụng vì họ có thể phải ngồi tù 3 năm và nộp phạt 3 vạn taka. Thêm nữa, nếu không có đơn thuốc của bác sĩ, các hiệu thuốc sẽ chỉ được phép bán những loại thuốc không cần kê đơn. Ngoài ra, tất cả các loại thuốc chống vi trùng bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc kháng virus chỉ có thể được bán khi có đơn của bác sĩ đã đăng ký, nếu không, chủ cửa hàng sẽ phải nộp phạt 2 vạn taka. Chưa hết, không người bán nào được phép lưu trữ, trưng bày hoặc bán các mẫu thuốc miễn phí dành cho bác sĩ, nếu không sẽ bị phạt 2 vạn taka.

Cũng theo dự thảo luật mới, không được phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu để sản xuất thuốc hoặc vật liệu đóng gói thuốc. Người vi phạm sẽ bị kết án đến 3 năm tù giam và phạt tiền 3 vạn taka. Bên cạnh đó, ngay cả khi được cho phép, nếu các nhà nhập khẩu nhập khẩu thuốc với giá cao hơn mức chính phủ phê duyệt, họ sẽ bị phạt 2 vạn taka và 2 năm tù. Đối với hành vi xuất khẩu bất hợp pháp, hình phạt là 1 vạn taka. Hành vi quảng cáo thuốc gây hiểu lầm cũng có thể dẫn người vi phạm vào tù với mức tối đa 5 năm và phải nộp phạt 5 vạn taka.

Theo dự luật, không ai được phép xuất bản hoặc tham gia vào bất kỳ quảng cáo nào có thông tin về hiệu quả của các loại thuốc cụ thể. Ngoài ra, nếu bất kỳ ai ăn cắp hoặc bán thuốc của chính phủ để phân phát miễn phí cho bệnh nhân từ bất kỳ kho chứa, bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế và cửa hàng nào, sẽ bị kết án tù tối đa 10 năm và bị phạt 10 vạn taka.

Đặc biệt, dự luật quy định, nếu bất kỳ công ty, tập đoàn hoặc tổ chức sản xuất thuốc phạm phải những tội bị trừng phạt theo dự luật, thì bất cứ ai liên quan hoặc biết thông tin mà không tố giác, từ chủ sở hữu, giám đốc, đối tác đến cán bộ, sẽ đều bị trừng phạt. Và các hành vi tái phạm theo bất kỳ phần nào của dự luật sẽ bị trừng phạt với cùng một loại án.

Linh Anh