Ngăn chặn tẩu tán tài sản

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:30 - Chia sẻ
Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư vừa được ban hành mới đây về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nêu rõ: Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế. Nội dung này sẽ giúp mở ra cơ chế pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng.

Với việc hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua, trong đó có những bị cáo đã từng nắm trọng trách quan trọng trong bộ máy đã mang lại niềm tin rất lớn đối với cử tri, Nhân dân về công cuộc chống tham nhũng “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, cử tri, Nhân dân vẫn còn tâm tư, bởi có những bản án đã có hiệu lực pháp luật, hàng nghìn tỷ đồng gây thất thoát nhưng khi bắt tay vào thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là một bài toán khó.

Đơn cử, trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, tòa án tuyên bị cáo sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước 500 tỷ đồng. Bị cáo này không còn tài sản nào khác để thi hành. Đây chỉ là một trong những trường hợp khó khăn trong thi hành án mà cơ quan thi hành án đã và đang phải đối diện. Hàng nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng không được thu hồi cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước “một đi không trở lại”.

Thực trạng “khó như thu hồi tài sản tham nhũng” cũng thể hiện trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Theo đó, với các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung, số vụ thi hành xong là 3.605 việc, đạt 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành (tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy vậy, số tiền thu được là 15.017,9 tỷ đồng, đạt 43,42% số có khả năng thi hành. Dù được coi là có nhiều tiến bộ so với những năm trước đó, nhưng nhìn vào số tiền thu được trong năm qua so với số tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt, gây thất thoát vẫn còn khá khiêm tốn.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó bởi nhiều nguyên nhân. Ở nhiều nước trên thế giới, người phạm tội không chứng minh được số tài sản mình sở hữu là hợp pháp đều bị thu hồi, thì ở nước ta, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải đi chứng minh số tài sản người phạm tội sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi được. Trong khi đó, việc chứng minh tài sản bất hợp pháp không phải là điều đơn giản, khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức.

Thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp khó bởi, ở nước ta, giao dịch vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Đây là kẽ hở để đối tượng có hành vi tham nhũng khi tiên lượng được “sinh mệnh pháp lý” của mình có thể chủ động tẩu tán tài sản bằng việc nhờ người thân trong gia đình đứng tên hộ tài sản. Đó là chưa kể, chúng ta chưa có cơ chế pháp lý về việc ngăn chặn sớm việc tẩu tán tài sản khi cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối tượng bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản là bị can, bị cáo trong các vụ án về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị can, bị cáo khi xét xử có thể bị tuyên tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Trong khi quá trình xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng thường kéo dài, nên các đối tượng đã tìm cách để tẩu tán tài sản trước khi vướng vòng lao lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hồi tài sản tham nhũng cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để thực hiện được yêu cầu này. Theo đó, để không còn chỗ cho tài sản tham nhũng ẩn nấp, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, rất cần nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Đây là cơ sở pháp lý để khi đăng ký tài sản mới, chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý kịp thời, tránh việc tẩu tán. Cùng với đó, cần sớm xây dựng cơ chế pháp lý để cơ quan thanh tra, kiểm tra trong xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng có biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản kịp thời, không chỉ dừng lại ở “kiến nghị, đề xuất” với các cơ quan như hiện nay.

Chỉ thị của Ban Bí thư đã có, phần việc còn lại của các cơ quan là sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn triệt để tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.  

Song Hà