Tản mạn

Ngàn năm mây trắng

- Thứ Ba, 25/01/2022, 06:20 - Chia sẻ
"Thực sự là đám mây không thể trở thành không. Vì vậy, khi nâng ly trà lên uống trong chánh niệm, chúng ta sẽ nhận ra rằng đám mây xinh đẹp mà chúng ta quán chiếu hôm qua trên bầu trời bây giờ đang nằm trong ly trà của ta và chúng ta đang uống mây..." - Có ai nói về cái chết một cách đẹp và thơ như vậy?  Và như vậy, cái chết của thầy cũng đâu có thực...

Trong những cuốn sách nổi tiếng được dịch ra hàng chục thứ tiếng, in hàng triệu bản trên khắp thế giới của thiền sư Thích Nhất Hạnh, cuốn sách chạm vào tôi sâu nhất và ở lại lâu nhất có lẽ là “Bụt là hình hình hài, Bụt là tâm thức”. Sách bắt đầu bằng pháp môn thực tập: Thiền đi, hay còn gọi là hành thiền. Đó là một trong những pháp môn quan trọng nhất và được thầy đề cập đến nhiều nhất trong những bài thuyết giảng của mình. “Có người nói rằng đi trên mặt nước, đi trên than hồng, trên bàn chông mới là phép lạ. Tôi thì khám phá ra rằng đi trên mặt đất đã là một phép lạ rồi” - thầy nói. Và để mỗi bước chân của chúng ta trên mặt đất là một phép lạ, ta phải “chánh niệm” trong từng bước chân. 

"Khi đi, chúng ta hoàn toàn ý thức vào đôi chân của ta và mặt đất. Sự nối kết giữa bàn chân và mặt đất là hơi thở ý thức. Người ta nói phép lạ là đi trên mặt nước nhưng theo tôi đi an lạc trên mặt đất mới thật sự là một phép lạ. Mặt đất là một phép lạ. Mỗi bước chân là một phép lạ. Đi từng bước trên hành tinh xinh đẹp này có thể mang đến hạnh phúc chân thực cho chúng ta”.

 "Chánh niệm" là một từ khóa được thầy nhắc đến nhiều nhất, lặp đi lặp lại trong rất nhiều cuốn sách, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó thừa cả. Đó cũng là từ khóa mà thầy đưa đạo Bụt lan tỏa khắp thế giới, từ các nước Á Đông thấm đẫm tinh thần của Phật giáo cho đến những nước phương Tây. 

Tại sao "Chánh niệm" lại quan trọng đến thế trong đạo Bụt và trong việc thuyết giảng đạo Bụt ra thế giới của thiền sư Thích Nhất Hạnh?

Trong cuốn “Bụt là hình hài. Bụt là tâm thức”, Thích Nhất Hạnh viết rằng: “Với tôi, chánh niệm là cơ hội đầu tiên để đạt được tự do... Chánh niệm rất quan trọng, chánh niệm có thể giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra, giúp ta khởi đầu một điều gì đó tốt đẹp và khôi phục lại chủ quyền của chúng ta”.

"Hãy đi như Bụt đi, đó là sự thực tập. Chúng ta không cần phải học và hiểu tất cả các kinh điển hay tất cả những điều Bụt dạy mới có thể đi như Bụt. Không, chúng ta không cần thêm gì nữa ngoài đôi chân và ý thức của ta. Chúng ta có thể uống trà trong chánh niệm, đánh răng trong chánh niệm, thở trong chánh niệm hay bước một bước chân trong chánh niệm. Chúng ta có thể làm tất cả những điều đó với sự thích thú mà không cần phải đấu tranh hay cố gắng gì cả. Đó là tận hưởng”.

Chưa có ai nói với chúng ta những lời minh triết bằng một cách diễn đạt dễ hiểu và đơn giản như thế. Chưa có ai dạy chúng ta cách tận hưởng hạnh phúc trong từng giây phút chánh niệm dễ dàng hơn thế. Vấn đề là chúng ta có biết cách để đón nhận hay tận hưởng hạnh phúc hay không mà thôi!

Cũng như khi nói về “Vô sinh vô diệt”, thầy viết rằng khi nghe đến từ “chết”, nhiều người trong chúng ta rất sợ hãi vì nghĩ rằng chết là sự hủy diệt; là từ có trở thành không... Thế nhưng, chúng ta cũng giống như đám mây. Đám mây không thể chết đi được. 

"Bản tính của mây là không sinh không diệt. Mây sẽ tiếp tục dưới những hình thái khác nhau. Thực sự là đám mây không thể trở thành không. Vì vậy, khi nâng ly trà lên uống trong chánh niệm, chúng ta sẽ nhận ra rằng đám mây xinh đẹp mà chúng ta quán chiếu hôm qua trên bầu trời bây giờ đang nằm trong ly trà của ta và chúng ta đang uống mây. Chúng ta đang tiếp xúc với tính vô sinh bất diệt của mây”.

 Có ai nói về cái chết một cách đẹp và thơ như vậy?  Và như vậy, cái chết của thầy cũng đâu có thực. Thầy là đám mây đang bay qua bầu trời trong ly cà phê tôi vừa uống sáng nay.

Lê Quân