Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Ngăn ngừa gian lận, trục lợi

- Thứ Năm, 07/10/2021, 06:27 - Chia sẻ
Trước tình trạng gian lận bảo hiểm ngày càng gia tăng, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng cần nhận diện đầy đủ những hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, đồng thời xác định phòng ngừa tổn thất là nhiệm vụ chính, cốt lõi; bù đắp tổn thất chỉ là biện pháp cuối cùng.
Gia tăng những hành vi gian lận bảo hiểm
Nguồn: ITN

Chỉ mua bảo hiểm khi biết... có sự cố

Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm đã được quy định tại Điều 213, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Khoản 49, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Vừa qua, Chính phủ cũng đã bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gian lận bảo hiểm tại Điều 1, Nghị định 48/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 còn thiếu các quy định mang tính đặc thù, áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia.

Mặt khác, các vấn đề về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa được đề cập trong pháp luật hiện hành theo khuyến cáo của Đoàn đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Vì vậy, việc bổ sung những nội dung này trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất, cần quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin để có chế tài xử lý hậu quả đối với các giao dịch mang tính gian lận đặc thù của ngành bảo hiểm mà không thể áp dụng cơ chế giải quyết vô hiệu hợp đồng chung của Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu tình trạng gian lận bảo hiểm ngày càng gia tăng khi bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra nên tham gia bảo hiểm bằng mọi cách để được bồi thường thì cần sửa đổi bổ sung theo hướng “các bên được thỏa thuận sửa đổi phần nội dung hợp đồng bị vô hiệu để phù hợp với quy định của pháp luật và ý chí của các bên tham gia hợp đồng, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu toàn bộ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết”. Việc sửa đổi, bổ sung này cũng hướng đến tính thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự khi giải quyết hợp đồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ thống kê được khoảng 52.860 vụ trục lợi với số tiền bị trục lợi ước tính khoảng 530 tỷ đồng. Trung bình hàng năm có khoảng 9.000 trường hợp gian lận bảo hiểm được phát hiện, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp bảo hiểm, gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm của người tham gia trung thực cũng như gây mất an ninh, trật tự xã hội.

Trích lập và duy trì khoản dự phòng

Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho biết, hành vi gian lận có thể xuất hiện trong hầu hết các khâu, giai đoạn với mọi đối tượng tham gia quy trình bảo hiểm. Tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm cũng không chỉ là tổn thất của doanh nghiệp kinh doanh (do chấp nhận rủi ro, trục lợi hay gian lận) mà còn là tổn thất của các đối tượng được bảo hiểm. Ngoài ra, cũng cần tính tới những tổn thất đối với nền kinh tế, với xã hội.

Vì vậy, theo ông Thanh cần nhận diện cho được, cho hết các gian lận và tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Các chế tài phòng, chống gian lận cần phải bao phủ được mọi hành vi gian lận chứ không chỉ quy định tập trung trong một mục như quy định tại Dự thảo.

Hiện, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã dành một chương về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính, trong đó có các quy định liên quan đến phòng ngừa tổn thất, phòng, chống gian lận bảo hiểm từ góc độ quản lý tài chính và các biện pháp hạch toán. Đây là các quy định cực kỳ quan trọng và đã tương đối đầy đủ nội dung từ vốn, nguồn vốn, đầu tư, quỹ dự phòng nghiệp vụ, quỹ dự trữ, hạch toán kế toán, kiểm toán, cung cấp thông tin...

Tuy nhiên, theo góp ý của nhiều chuyên gia bảo hiểm, tài chính thì, nên có quy định về trích lập và duy trì các khoản dự phòng, dự trữ khác với những doanh nghiệp kinh doanh khác. Bởi, dự phòng hay dự trữ không chỉ vì hoạt động của bản thân doanh nghiệp bảo hiểm mà còn vì các đối tượng bảo hiểm và sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Anh Dũng