Ngân sách tăng thu nhờ dầu thô, xuất nhập khẩu và đất

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 05:39 - Chia sẻ
Tại hội nghị tổng kết công tác tài chính, ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 sáng 6.1, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách năm 2021 vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán và tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Phần tăng thu chủ yếu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu và tiền sử dụng đất.

Các “đầu tàu kinh tế” đều thu vượt dự toán

Sáng 6.1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác tài chính, ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy các đầu tàu kinh tế của đất nước đều thu ngân sách vượt dự toán năm 2021 trong bối cảnh chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Các đại biểu tham dự hội nghị ngành tài chính
Nguồn: HL

Điểm sáng nhất phải kể đến Hải Phòng với tổng thu ngân sách đạt 95,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và tăng 23,7% so với dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 57,8 nghìn tỷ đồng; thu nội địa đạt 36,3 nghìn tỷ đồng.

Đà Nẵng cũng cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu về tài chính ngân sách Trung ương giao. Tổng thu ngân sách của thành phố đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, vượt gần 8% dự toán; trong đó thu nội địa vượt 1% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt gần 40% dự toán.

Tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ làn sóng dịch thứ 4 song TP. Hồ Chí Minh vẫn hoàn thành nhiệm vụ tài chính, ngân sách. Đến thời điểm này số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố là 381,5 nghìn tỷ đồng, vượt 4,56% dự toán và tăng 2,73% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (kể cả thu dầu thô) là 263,8 nghìn tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 117,6 nghìn tỷ đồng, đạt 108,95% dự toán.  

Tương tự, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP. Hà Nội đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, vượt 12,8% dự toán Trung ương giao. Đáng chú ý, chi ngân sách của thành phố chỉ đạt 76% dự toán trong khi Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều chi vượt dự toán.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách cả nước năm 2021 đạt mức cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% (219,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu và tiền sử dụng đất. Thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020. Tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt 18,6% GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5% GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách Trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Nghiên cứu mở rộng cơ sở thu ngân sách

“Trong điều kiện khó khăn, thu ngân sách tăng hơn so với năm ngoái là kết quả rất đáng phấn khởi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong bài phát biểu tại hội nghị. Bước sang năm 2022, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính điều hành chính sách tài khóa phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền tệ, để cùng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm chi nhất là các khoản chi không cần thiết; kiểm soát chặt bội chi và nợ công; quản lý hiệu quả tài sản công... “Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, không phải chi tiêu xả láng được. Nhiều khoản chi phải cắt giảm từ dự toán, phải thực hiện ngay, không chỉ là hô khẩu hiệu”, Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2022, Bộ Tài chính cần tiếp tục phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả...

Bộ Tài chính cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền và triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số.

Bên cạnh đó, ngành tài chính sẽ tăng cường quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách so dự toán.

Hà Lan